Thanh Hóa:Nữ sinh nén nỗi đau mất mẹ đi thi

GD&TĐ - Trước khi Kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ 20 ngày, em Nguyễn Thùy Linh, ở thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bỗng dưng mất đi người mẹ của mình. Kìm nén đau thương, mất mát, nữ sinh Nguyễn Thùy Linh đeo tang mẹ, bước vào Kỳ thi THPT quốc gia, với quyết tâm thay đổi cuộc sống nghèo khó.

Thùy Linh thay mẹ chăm sóc em nhỏ mới 4 tháng tuổi tại gia đình
Thùy Linh thay mẹ chăm sóc em nhỏ mới 4 tháng tuổi tại gia đình

Giông tố cướp mất mẹ...

Chúng tôi tìm đến nhà em Nguyễn Thùy Linh, ở thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) dưới cái nắng như đổ lửa. Trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, ông Nguyễn Văn Tuấn (46 tuổi) - bố của Thùy Linh đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho các con và người mẹ già 70 tuổi. Nguyễn Thùy Linh thì đang dỗ dành đứa em út mới 4 tháng tuổi uống sữa.

Nhìn khuôn mặt đượm buồn của Linh, chúng tôi thấy nhói lòng. Lẽ ra, ở tuổi em, vào thời điểm này những học sinh khác sẽ được cha, mẹ đưa đón, chăm chút cho từng bữa ăn, giấc ngủ nhưng Linh điều đó không bao giờ có nữa.

Nỗi đau thương ập đến với Thùy Linh và gia đình em, khi Kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn hơn 20 ngày nữa sẽ diễn ra. Vào buổi chiều 3/6/2019, mẹ của Thùy Linh - bà Trịnh Thị Khuyến (41 tuổi) tranh thủ ra đồng cấy lúa, vì sợ để lâu, mạ quá lứa sẽ hỏng. Khi ấy bà mới sinh em bé được hơn ba tháng. Thấy mẹ vất vả nên chiều hôm ấy, Thùy Linh cũng xin phép thầy, cô giáo nghỉ buổi ôn thi THPT quốc gia ở trường, để cùng mẹ ra đồng cấy cho xong số diện tích ruộng của gia đình.

Khi hai mẹ con Thùy Linh vừa cấy xong đám ruộng, thì cơn giông kéo đến. Thấy vậy, hai mẹ con Thùy Linh cũng vội vàng lên bờ về nhà. Thùy Linh đang đi sau mẹ khoảng gần chục mét, bỗng nhiên nghe một tiếng nổ vang trời. Sau tiếng sét, thấy mẹ mình gục xuống, Thùy Linh hoảng loạn, la hét kêu gào bà con đang cùng đi làm đồng đến cứu. Bà Khuyến được chuyển ngay xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu, hồi sức tích cực. Thế nhưng, bà đã trút hơi thở cuối cùng lúc rạng sáng 5/6/2019. Mẹ ra đi, bỏ lại Thùy Linh và 3 đứa em thơ dại, nheo nhóc, trong đó đứa em trai út mới bốn tháng tuổi.

Ước mơ học ngành Du lịch

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Tuấn dáng vẻ bần thần, đôi mắt lúc như nhìn vào cõi xa xăm nào đó. Ông kể, từ khi mẹ nằm xuống, Linh như một người khác. Cứ mỗi lần nhìn thấy Linh nựng đứa em trai mới 4 tháng tuổi uống sữa, ông lại thắt lòng, nhưng không dám để con gái nhìn thấy nước mắt của người cha rơi.

Hằng đêm, khi đứa em út khóc vì khát sữa, Linh lại dậy thay mẹ dỗ dành, nựng em uống sữa rồi ru ngủ cho em. “Gia đình tôi chỉ có 5 sào ruộng. Trước kia, khi mẹ các cháu còn sống, mọi việc đồng áng đều do hai mẹ con cháu Linh đảm nhiệm. Cũng do nhà đông người (7 khẩu), nên tôi phải đi ra Hà Nội lái xe tải thuê, kiếm thêm tiền, lo cho các con ăn học. Cháu Linh năm nay học lớp 12, còn hai em gái, đứa học lớp 5, đứa chuẩn bị lên lớp 8. Giờ mẹ các cháu bỗng dưng qua đời, nên tôi về quê làm ruộng kết hợp làm thuê lúc nông nhàn, để chăm sóc con cái và mẹ già. Thương các con xé ruột. Tội nhất là ước mơ vào đại học của cháu Linh có nguy cơ dang dở. Nhưng nếu Linh đỗ đại học, gia đình cũng không biết lấy tiền ở đâu ra cho cháu theo học”, ông Tuấn bộc bạch.

Về phần Linh, trong những ngày diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia, em vẫn kìm nén đau thương bước vào kỳ thi để đạt được ước mơ của mình.

Hai ngày qua, sau khi rời phòng thi về nhà, Thùy Linh lại thay người mẹ đã khuất để chăm lo cho những đứa em của mình. Giúp đỡ bố lo bữa ăn cho bà nội đã gần 70 tuổi bệnh tật triền miên.

Trong câu chuyện đẫm nước mắt, Thùy Linh tâm sự: Ngày mẹ còn sống, mẹ luôn động viên em chịu khó học hành để thực hiện ước mơ làm việc trong ngành Du lịch. Bản thân em cũng rất thích học ngành ấy, nên em đăng ký xét tuyển vào khoa Du lịch của một trường đại học, hoặc cao đẳng và khoa Ngôn ngữ tiếng Trung của Trường Đại học Khoa học Huế.

“Trước khi bước vào kỳ thi, em luôn nhớ tới những lời động viên của mẹ lúc còn sống. Bên cạnh đó là những lời khuyên, lời động viên, dặn dò của bà nội, đã khiến em coi đó là động lực, là sức mạnh để em làm bài thi được tốt. Nếu năm nay em đỗ đại học, gia đình chưa có điều kiện kinh tế, em sẽ đi làm thuê, làm công nhân kiếm tiền để thực hiện ước mơ của mình trong những năm tới. Em sẽ quyết tâm làm bằng được, để không phụ công của bố, mẹ em” - Thùy Linh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.