Trách nhiệm giải trình

GD&TĐ -Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 10/2021. Căn cứ nghị định này, các trường ĐH đã và đang rục rịch phương án tăng học phí năm học tới, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm các trường tự chủ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) mới đây thông tin về đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, trong đó học phí trường này năm học 2022 -2023 dự kiến sẽ tăng lên từ 16 - 24 triệu đồng/năm tuỳ nhóm ngành, chương trình chất lượng cao gấp 3 lần chương trình chuẩn, dự kiến 60 triệu đồng/năm. Đây cũng là mức học phí mà nhiều trường công lập tự chủ khác đã và đang triển khai.

Học phí đại học tăng mạnh từ năm 2022 trở về sau không phải mà vấn đề mới, mà theo lộ trình đã được dự báo. Ở góc độ quản lý giáo dục, tăng học phí đại học là đòi hỏi bắt buộc nhằm thúc đẩy chất lượng đào tạo, vì học phí đại học Việt Nam đang rất thấp, khó cho các trường nâng cao chất lượng, hướng đến hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước có xu hướng giảm dần ngân sách cho giáo dục đại học. Vì thế, để đủ kinh phí hoạt động, nâng cao chất lượng, các trường phải tăng học phí, đặc biệt là nhóm trường công lập tự chủ không còn được Nhà nước bao cấp.

Dù tăng học phí đại học là xu hướng không thể khác nhưng thực tế này vẫn tác động đến tâm tư của người học có hoàn cảnh khó khăn và những ai quan tâm đến giáo dục. Bởi xưa nay, học phí trường công và trường tư có sự chênh lệch lớn, chọn trường công là lựa chọn của nhiều thí sinh khi gia đình tài chính eo hẹp.

Tuy phía Nhà nước và các trường đại học có những cơ chế, chính sách hỗ trợ như tín dụng sinh viên, quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ học tập… nhưng trên thực tế sinh viên cũng không dễ dàng tiếp cận, do bị hạn chế về nguồn thông tin, thủ tục pháp lý và chính sách chưa phù hợp. Số lượng sinh viên nhận được sự hỗ trợ cũng không lớn. Sinh viên nghèo không dám chọn theo học trường chất lượng (do nhóm trường này thường sớm chuyển sang tự chủ), đặc biệt là chương trình chất lượng cao.

Tăng học phí để bảo đảm được mức tối thiểu cho trường phát triển và không quá ảnh hưởng đến người học là bài toán đầu tiên mà các trường phải cân não. GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM cho biết số liệu mà bà khảo sát trên 10 trường ĐH tự chủ cho thấy học phí chiếm  đến trên 80% tổng thu của các trường. Nếu không có những nguồn khác như chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, tài trợ, đầu tư... thì gánh nặng chi phí vẫn tiếp tục đè lên học phí, đẩy khó khăn về phía người học.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là hiện nay, chọn chất lượng đào tạo thay vì chọn học phí thấp đã và đang là một xu hướng trong tuyển sinh. Nhiều thí sinh chấp nhận đầu tư học phí cao hơn để có chuẩn đầu ra cao hơn, cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất mà người học quan tâm và cũng là bài toán mấu chốt của các trường khi tăng học phí là phải gắn liền với tăng chất lượng đào tạo. Nhưng không phải lúc nào mức đầu tư cũng tỷ lệ thuận với chất lượng giáo dục. Thực tế đã có nơi này nơi kia phản ánh về biểu hiện chưa tương xứng giữa học phí và chất lượng ở một vài trường tự chủ.

Để bảo đảm quyền lợi người học, song song với việc tăng học phí, các trường cần phải thể hiện trách nhiệm giải trình tốt, công khai, minh bạch thông tin về các hoạt động, kết quả đánh giá chất lượng. Giải trình cho người học và  xã hội về việc mình đã sử dụng số tiền học phí thế nào để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất cũng chính là cách để nhà trường được người học và xã hội chấp nhận với mức tăng học phí theo lộ trình đã đưa ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.