Các trường Đại học tăng học phí: Tuân thủ đúng Luật

GD&TĐ - Từ năm học 2021 - 2022, nhiều trường đại học áp dụng mức thu học phí mới, có trường tăng gấp đôi so với trước; đồng thời thông báo lộ trình tăng ở những năm học tiếp theo.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TG

Thu bù chi

PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: Đề án tuyển sinh riêng của trường đã thông báo công khai mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy và có lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có).

Cụ thể, học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm học 2021 - 2022 chương trình đại trà cho 1 năm học là: 25 triệu đồng; chương trình chất lượng cao: 35 triệu đồng; chương trình tiên tiến: 45 triệu đồng; chương trình liên kết (ĐH Birmingham City – 3,5 năm) là 80 triệu đồng. Dự kiến, mức học phí này sẽ được điều chỉnh tăng dần cho đến năm học 2024 - 2025 (tăng khoảng 5 triệu đồng/năm học).

Lý giải về việc này, theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ thông tin, trường đã chuyển sang cơ chế tự chủ, không còn được Nhà nước đầu tư về chi thường xuyên. Nếu theo đúng định mức ngành kinh tế kỹ thuật, mức học phí không phải là 25 triệu đồng/năm học, mà là khoảng 45 triệu/năm học mới đủ để chi phí các khoản.

Các trường Đại học tăng học phí: Tuân thủ đúng Luật ảnh 1

Những mốc thời gian quan trọng (click vào ảnh để xem nội dung)

“Tuy nhiên, chúng tôi không áp dụng ngay điều đó mà thực hiện có lộ trình” – PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh chia sẻ, đồng thời cam kết tăng học phí sẽ đi kèm với tăng chất lượng đào tạo và các dịch vụ chất lượng cao. Ngoài ra, nhà trường áp dụng nhiều chính sách khuyến học, khuyến tài, với việc thành lập quỹ học bổng. Mặt khác, nhà trường đã và đang liên hệ với một số ngân hàng để thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên vay tín dụng.

Theo thông báo của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), dự kiến mức học phí hệ đại học chính quy năm học 2021 – 2022 cao nhất không vượt quá 32 triệu đồng/sinh viên/năm học. Học phí trên chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc: Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng – An ninh được thu theo quy định hiện hành. Thông báo nêu rõ, đây là đơn giá học phí dự kiến sẽ được áp dụng trong năm học 2021 – 2022, để đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học.

Đại diện nhà trường cho hay, dù đã thực hiện tự chủ, nhưng trường gặp nhiều khó vì không được điều chỉnh tăng học phí, nhất là với nhóm ngành sức khỏe, chi phí cho các hoạt động đào tạo tốn kém. Nhà trường dùng ngân sách để tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ phát triển nghề nghiệp cho người học. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp (ảnh phải). Ảnh: TG
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp (ảnh phải).     Ảnh: TG

Không trông chờ vào học phí

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Học phí không hoàn toàn đồng nhất với chi phí đào tạo. Chi phí này phải tính đủ, tính trên khả năng huy động từ nhiều nguồn, không chỉ mỗi học phí.

Với các trường tư, học phí của người học có vai trò quan trọng, nhưng với trường công lập vẫn có đóng góp của ngân sách Nhà nước, dù bằng cách này hay cách khác; thậm chí đóng góp này có vai trò lớn hơn học phí của sinh viên. “Nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu các trường ĐH công lập khi đưa ra mức thu học phí phải căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân, nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận cơ hội học tập” – TS Lê Viết Khuyến thông tin.

Tán thành với cơ chế tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính, TS Lê Viết Khuyến thẳng thắn nói: Tự chủ vẫn trong khuôn khổ của pháp luật, không phải thích tăng học phí như thế nào thì tăng. Ở nhiều quốc gia, người ta hay nói tới chi phí cho đào tạo, chi phí đơn vị hay chi phí cần thiết để đào tạo người học. Họ kỳ vọng, khi tính như vậy “sản phẩm đào tạo” của các trường cung cấp cho xã hội sẽ tốt hơn.

“Tuy nhiên, chi phí đó được lấy từ các nguồn lực như: Ngân sách Nhà nước, học phí, huy động từ các nhà tài trợ, cựu sinh viên, lao động sản xuất và nghiên cứu khoa học… Tất cả nguồn lực đó có thể bù đắp lại cho hoạt động chi phí đào tạo. Như vậy, học phí chỉ là một phần, không phải là tất cả”, TS Lê Viết Khuyến chia sẻ, đồng thời nêu quan điểm: Nếu không huy động từ các nguồn lực khác (ngoài học phí), các cơ sở đào tạo phải chấp nhận giảm chi phí đơn vị, không nên để người dân đóng khoản tiền lớn hơn nhiều so với khả năng thu nhập của họ.

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT), hiện nay, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.

Nghị định này quy định rõ khung, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (Khoản 1 Điều 5) và cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (Khoản 2 Điều 5), mức tăng học phí bình quân 10%/năm. Các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện đổi mới thí điểm cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP thực hiện theo Đề án thí điểm cơ chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho từng cơ sở giáo dục đại học.

Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ diễn ra ở nhiều địa phương ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân. Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính, quy định về học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020 - 2021 kết thúc. Bộ GD&ĐT đã phối hợp các bộ, ngành, lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, cơ sở GD-ĐT trên cả nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86. Dự thảo có nhiều điểm mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập, mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD-ĐT của cơ sở đào tạo.

Theo TS Lê Viết Khuyến, các trường có thể huy động từ nguồn lực khác để cam kết về chất lượng dịch vụ tăng lên. Còn nếu chạy theo việc này để tăng học phí thì sẽ không bảo đảm công bằng xã hội, con em nông dân, hộ nghèo, những người có thu nhập thấp sẽ khó có cơ hội để học đại học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.