Tăng lương tối thiểu vùng: Động lực cống hiến

GD&TĐ - Chỉ sau 2 vòng đàm phán, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu quyết định đề xuất tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng 7,2% tương đương 250.000 - 350.000 đồng/tháng tùy khu vực từ ngày 1/1/2026.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo đó, dựa trên các chỉ số kinh tế như tốc độ tăng trưởng GDP quý II ước đạt 7,96%, cao thứ hai trong giai đoạn 2020 - 2025 lương tối thiểu vùng 1 được đề xuất tăng từ 4,96 lên 5,31 triệu đồng/tháng; vùng 2 từ 4,41 lên 4,73 triệu đồng; vùng 3 từ 3,86 lên 4,14 triệu đồng; và vùng 4 từ 3,45 lên 3,7 triệu đồng. Lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ được quy đổi tương ứng từ mức lương tháng.

Lần điều chỉnh gần nhất của lương tối thiểu vùng là vào ngày 1/7/2024, với mức tăng 6%. Thời điểm đó, mức tăng này được đánh giá là hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu trong năm 2025. Tuy nhiên, năm nay, đời sống người lao động đang chịu nhiều tác động do giá xăng dầu và hàng thiết yếu liên tục tăng.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát do Công đoàn Việt Nam thực hiện hồi tháng 4 với hơn 3.000 lao động tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, 55% người lao động chỉ đủ chi tiêu cơ bản; 26% phải chi tiêu kham khổ; 8% không đủ sống, phải làm thêm. Đặc biệt, 73% lao động độc thân cho biết mức lương hiện tại là lý do chính khiến chưa lập gia đình do không thể đảm bảo mức sống ổn định hoặc lo cho con cái trong tương lai.

Bởi vậy, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương sau phiên họp, mức tăng và thời điểm tăng được Hội đồng thống nhất thông qua là phù hợp với giai đoạn hiện nay trong việc phát triển kinh tế của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thì nhấn mạnh, mức tăng này này sẽ cải thiện một phần đời sống của người lao động vì trên thực tế bản thân các doanh nghiệp đã có mức lương nhìn chung cao hơn mức lương tối thiểu.

Trước đó, tại Phiên họp thứ nhất hồi cuối tháng 6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai phương án là tăng 8,3%, tương ứng tăng 290.000 - 410.000 đồng và 9,2%, tương ứng tăng 320.000 - 450.000 đồng để bù đắp chi phí, giá cả nhảy vọt.

Phân tích về lý do đề xuất mức tăng này, một thành viên Hội đồng thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tỷ lệ này là phù hợp mức sống tối thiểu của người lao động vì từ năm 2023 đến nay, lương tối thiểu vùng chỉ điều chỉnh một lần với tỷ lệ tăng 6% trong khi tiền điện đã tăng 4 lần.

Ngoài ra, GDP năm 2024 đạt 7,09% và năm nay phấn đấu vượt 8%. Nếu mức tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn tăng trưởng GDP, việc thụ hưởng thành quả lao động của người lao động chưa tương xứng…

Bởi vậy, theo đại diện Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định, mức tăng được Hội đồng thông qua vẫn cao, song sẽ tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực để cuối năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và từ năm sau trở đi có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Xa hơn, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội thì tăng lương tối thiểu vùng không chỉ mang ý nghĩa liên quan đến ví tiền, mà còn mang giá trị con người trong nền kinh tế. Quan trọng hơn, lương tối thiểu vùng là ranh giới thể hiện cam kết Nhà nước trong bảo vệ lao động yếu thế nên khi được điều chỉnh kịp thời với thị trường, niềm tin xã hội tăng lên, người lao động yên tâm lao động, sản xuất, giảm xung đột.

Và từ việc tăng lương tối thiểu lần này cũng tiếp tục đặt ra kỳ vọng lớn hơn về việc khi nào lương tối thiểu vùng sẽ tiến tới đủ sống chứ không chỉ là mức sàn như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ