Phát động Giải báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam’ năm 2025

GD&TĐ - Chiều 16/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo và phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII - năm 2025.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Tham dự họp báo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Ban Tổ chức; ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thành viên Ban Tổ chức; nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức; ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, thành viên Ban Tổ chức; bà Lê Thị Mai Oanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, thành viên Ban Tổ chức; bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT); ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT); ông Doãn Hồng Hà - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận, Đảng ủy Bộ GD&ĐT.

giai-bao-chi-2.jpg
giai-bao-chi-6.jpg
Các đại biểu tham dự họp báo.

Hiện diện tại họp báo cũng có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Minh Huế - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Lê Thanh Kim - Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân; bà Nguyễn Thu Hằng - Phó Tổng Biên tập báo Dân trí; bà Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Báo chí truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; bà Đinh Quỳnh Anh - Đại diện Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng ban Chuyên đề - Khoa giáo VTV2, Đài truyền hình Việt Nam; ông Trịnh Quốc Đông, Phó Trưởng Ban Chuyên đề - Khoa giáo VTV2, Đài truyền hình Việt Nam; đại diện cơ quan ban ngành Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Báo chí đồng hành giúp chủ trương, chính sách của ngành Giáo dục đi vào cuộc sống

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Năm 2025 là năm thứ 8 Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức. Giải do Bộ GD&ĐT chủ trì, có sự phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

giai-bao-chi-41.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc.

Báo Giáo dục và Thời đại được Bộ GD&ĐT giao là đơn vị thường trực tổ chức thực hiện. Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh tác giả có tác phẩm báo chí viết về sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Thông qua Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, chúng ta cùng nhau nhìn nhận và đánh giá khách quan về những đóng góp của ngành Giáo dục với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Qua đây, giúp xã hội hiểu đúng, đầy đủ về giáo dục; từ đó chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với thầy, cô giáo trên cả nước nói riêng và toàn ngành Giáo dục nói chung.

Mùa giải năm 2024, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 800 tác phẩm tham dự, ở 4 loại hình báo chí, gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình; được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chất lượng các tác phẩm dự thi tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục, để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức.

Ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành của báo chí góp phần quan trọng giúp chủ trương, chính sách của ngành Giáo dục đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước tham dự, đóng góp tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục.

Thông tin về thể lệ Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII - năm 2025

tbt-giai-bao-chi.jpg
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức cho biết:

Tác giả tham gia Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII - năm 2025 là công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phù hợp với tiêu chí của Giải.

Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác. Tác giả có tác phẩm tham dự Giải không trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc không trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc đang bị cơ quan điều tra về các sai phạm có liên quan.

Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Giải, mỗi tác phẩm báo chí được đăng/phát không quá 5 kỳ. Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo, Tổ Thư ký không được đăng ký tác phẩm tham dự Giải.

Tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2024 đến hết ngày 4/9/2025; nếu đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.

Không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; tác phẩm đoạt giải của Giải báo chí Quốc gia hoặc các Giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác. Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền.

Tiêu chí xét trao giải về nội dung như sau:

Tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới Giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu.

Các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học.

Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.

giai-bao-chi-3.jpg
Các nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tham dự họp báo.

Tiêu chí xét trao giải về thể loại và loại hình như sau:

Loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình.

Thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình.

Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (như thơ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, phim truyện, kịch truyền thanh…). Các tác phẩm là một loạt bài phải thực hiện cùng một thể loại báo chí.

Lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Thanh Kim – Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Hội đồng Giám khảo cho biết: Năm 2025 là năm thứ 8 Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức. Mùa giải trước đã thành công tốt đẹp. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức.

ong-kim-giai-bao-chi.jpg
Ông Lê Thanh Kim – Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Hội đồng Giám khảo.

Các tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.

Hoan nghênh các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo đã tích cực tham gia Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, Ban tổ chức mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành của báo chí góp phần quan trọng giúp chủ trương, chính sách của ngành Giáo dục đi vào cuộc sống, mang lại những giá trị tốt đẹp cho học sinh, phụ huynh và rộng hơn là toàn xã hội.

Ông Lê Thanh Kim cũng lưu ý các tác giả tham dự mùa giải năm nay đổi mới nội dung, cách thức chọn đề tài, quy trình triển khai thực hiện. Đồng thời bày tỏ mong muốn, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" lần thứ VIII - năm 2025 và những năm tiếp theo tiếp tục được các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, nhà báo tích cực hưởng ứng, tham dự, đóng góp tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục.

giai-bao-chi-pv-1.jpg
giai-bao-chi-pv22.jpg
Các phóng viên đặt câu hỏi với Ban tổ chức Giải.

Trước câu hỏi về liên quan đến đề tài dự Giải, ông Lê Thanh Kim - Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhắc đến những chính sách về giáo dục đang hết sức được quan tâm hiện nay và cho rằng: Quan trọng khi chọn đề tài là tính mới, có phân tích thực tiễn, đánh giá dư luận, tham khảo ý kiến Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng như đội ngũ nhà giáo… Cùng với đó là cách thức triển khai bài viết hấp dẫn, dày dặn.

ong-kim-giai-bao-chi-2.jpg
Ông Lê Thanh Kim - Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Hội đồng Giám khảo trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo.

Cũng trả lời về vấn đề này, nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức cho rằng: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã ban hành được nhiều chính sách quan trọng, mới đây nhất là Luật Nhà giáo. Cùng với đó, các luật khác như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đang được sửa đổi, bổ sung.

Các công việc lớn đang được thực hiện như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới các kỳ thi… Ngoài ra, hàng loạt vấn đề giáo dục khác được quan tâm như: Sức khỏe học đường, bạo lực học đường, an toàn vệ sinh trường học… Mong có sự đồng hành, góc nhìn sáng tạo của các bạn đồng nghiệp về những vấn đề giáo dục được quan tâm như trên. Bên cạnh đó, những bài báo có tính phát hiện, phản biện, có tác động xã hội lớn, giúp thay đổi nhận thức của giới trẻ, học sinh, sinh viên cũng được đánh giá cao.

tbt-giai-bao-chi-2.jpg
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức giải đáp nhiều nội dung tại họp báo.

Trước sự quan tâm của phóng viên về sự lan toả sau mang giá trị nhân văn sau khi đăng phát các tác phẩm của Giải, ông Trịnh Quốc Đông, Phó Trưởng Ban Chuyên đề - Khoa giáo VTV2, Đài truyền hình Việt Nam chia sẻ:

Tôi được đồng hành với Giải từ những năm đầu tiên và có rất nhiều câu chuyện thú vị khi làm nghề. Giải báo chí vì sự nghiệp Giáo dục là 1 trong các giải báo chí có sức lan tỏa mạnh tới cộng đồng, trong đó có các tấm gương nhà giáo, học sinh điển hình. Sau khi Báo chí đăng tải đều có sự tác động lớn tới xã hội.

VTV có làm bộ phim về 1 ngôi trường ở Tri Lễ (Nghệ An) với “4 không”: “Không điện nước, không internet, không chợ, không trạm y tế". Sau khi phát sóng, nhiều tổ chức/cá nhân đều tập trung giúp đỡ cho ngôi trường này về nước sạch, cơ sở vật chất đồng bộ hơn.

Có 1 năm làm phóng sự về thầy giáo ở Trường Nam Trà My (Quảng Nam), thầy phải ở chung với 2 cô giáo vì không có nhà công vụ. Sau khi phát sóng phim tài liệu đó, ngành Giáo dục và các đơn vị đã hỗ trợ xây nhà công vụ để thầy cô sinh sống tạm.

Có những ổ bánh mỳ 0 đồng ở Gia Lai. Sau khi phát sóng, có nhiều đơn vị đến ủng hộ cho thầy cô. Có những vấn đề phản biện chính sách, truyền cảm hứng, người tốt việc tốt và có sức lan tỏa thì thay đổi toàn bộ bộ mặt của ngôi trường đó và nhiều câu chuyện xúc động khác.

Nhiều nội dung được các phóng viên quan tâm cũng đã được Ban tổ chức chia sẻ, giải đáp tại buổi họp báo.

hop-bao.jpg
Các đại biểu tại buổi họp báo.

Thay mặt Ban Tổ chức, nhà báo Triệu Ngọc Lâm trân trọng cảm ơn sự hiện diện của quý vị đại biểu, các vị khách quý, các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương đã đến tham dự, chia sẻ, đặt những câu hỏi hết sức thấu đáo, tâm huyết tại họp báo.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm cho biết: Sau 7 năm tổ chức và nay bước sang năm thứ 8, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam tiếp tục khẳng định là một sân chơi nghề nghiệp có uy tín, là nơi tôn vinh những tác phẩm báo chí chất lượng, truyền cảm hứng, cổ vũ cho đổi mới giáo dục, vì một nền giáo dục nhân văn, tiến bộ và hội nhập.

Ban Tổ chức kỳ vọng và tin tưởng, với sự hưởng ứng của đông đảo phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí trên cả nước, mùa giải năm nay sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những câu chuyện, hình ảnh đẹp, xúc động và chân thực về ngành Giáo dục, về thầy cô giáo dục, học sinh, những đổi thay giáo dục từ chính sách tới thực tiễn.

Ban Tổ chức cũng gửi gắm một niềm tin: Mỗi tác phẩm báo chí tham dự giải không chỉ là kết quả lao động nghề nghiệp mà còn là một tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm, góp phần khơi dậy niềm tin, tạo đồng thuận xã hội và truyền cảm hứng cho những đổi mới thực chất trong giáo dục. Ban Tổ chức luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ quý cơ quan báo chí trong quá trình tham dự và lan tỏa thông tin về Giải.

Cơ cấu giải:

1 Giải Đặc biệt được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Giải thưởng cho mỗi loại hình gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích.

Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật).

Giá trị giải thưởng:

- Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”.

- Chứng nhận của Bộ GD&ĐT

- Tiền thưởng bằng tiền mặt: Giải Đặc biệt 60 triệu đồng; giải Nhất 30 triệu đồng; giải Nhì 15 triệu đồng;giải Ba: 10 triệu đồng; giải Khuyến khích 5 triệu đồng.

Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá 10 triệu đồng.

Giải phụ: Ban Tổ chức Giải xem xét quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ