Trường quốc tế tăng học phí có hợp lý?

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh Trường Quốc tế Á Châu (AIS) bức xúc, phản đối tăng học phí của trường trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Phụ huynh đến cơ sở Nguyễn Văn Hưởng của AIS để phản đối việc tăng học phí (ngày 20/5).
Phụ huynh đến cơ sở Nguyễn Văn Hưởng của AIS để phản đối việc tăng học phí (ngày 20/5).

Vấn đề này thêm một lần nữa cho thấy mâu thuẫn giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục phổ thông tư thục, quốc tế trong việc tăng học phí luôn tiềm ẩn.

Tăng vượt 20%?

Hơn 1 nghìn phụ huynh Trường Quốc tế Á Châu (AIS) đã ký đơn gửi nhà trường và Sở GD&ĐT TPHCM phản đối việc tăng học phí trong năm học 2021 - 2022 của trường này. Cụ thể, mức học phí năm 2021 - 2022  tăng 15%, thậm chí lên 28% của AIS trong khi dịch Covid-19 đang diễn ra khiến phụ huynh bức xúc. Đồng thời lý do mà nhiều phụ huynh bức xức là việc tăng tỷ lệ % học phí không phải áp dụng với con họ từ năm học trước lên năm học sau mà tăng trên nền của lớp học đó.

Ngày 27/5, trao đổi với Báo GD&TĐ, chị Ngọc Thúy (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) có hai con sắp vào lớp 4 và lớp 7, cơ sở Văn Thánh của AIS (Q. Bình Thạnh, TPHCM), chia sẻ: Học phí năm học 2021 - 2022 của con tôi ở lớp 4 sẽ là 13,37 triệu đồng/tháng, trong khi năm học vừa rồi 2020 - 2021, đóng 10,97 triệu đồng/tháng (lớp 3). Mức tăng theo chị tính là 2,4 triệu đồng/tháng, khoảng 21,9%. Còn một cháu năm lên lớp 7 sẽ phải đóng học phí 14,149 triệu đồng/tháng, trong khi đó năm lớp 6 vừa rồi ở mức 12,411 triệu đồng/tháng, ước tính tăng 1,738 triệu đồng, khoảng 14%”.

Theo chị Ngọc Thúy, lý do khiến phụ huynh AIS bức xúc không phải vì học phí tăng, mà do trường tăng sai cam kết. “Trong bảng học phí năm 2021 - 2022, cấp tiểu học lại chia ra 2 bậc học phí. Từ lớp 1 - 3, tiền học là 12,616 triệu đồng/tháng, nhưng lên lớp 4 - 5 lại là 13,37 triệu đồng/tháng, tức tăng 14,15%. Nhiều phụ huynh cũng như tôi không hiểu tăng vì lý do gì” - chị Ngọc Thúy phân tích.

Tương tự, chị Huỳnh Nga có hai con đang theo học lớp 4 và lớp 7 tại AIS chia sẻ: Hơn 1 nghìn phụ huynh bức xúc vì nhà trường tăng học phí không theo cam kết lúc nộp hồ sơ nhập học. Nếu nhà trường muốn tăng, nên để thời điểm kinh tế ổn định. Và nên thực hiện đúng như cam kết và phải đưa ra số liệu cụ thể qua từng năm.

Đồng thời chị Huỳnh Nga cũng cho rằng nhà trường nên có buổi gặp gỡ trao đổi với phụ huynh để 2 bên có sự đồng thuận. “Không nên đặt phụ huynh vào sự việc đã rồi” - chị Huỳnh Nga nói.

Bảng tăng tiền ở AIS mà các phụ huynh tự tính, cả tiền học phí và tiền ăn.
Bảng tăng tiền ở AIS mà các phụ huynh tự tính, cả tiền học phí và tiền ăn.

Tăng học phí có phù hợp?

Trao đổi với truyền thông, đại diện AIS cho rằng trường có mức học phí rất thấp, mặc dù vậy hằng năm đều phải đầu tư rất nhiều để duy trì tiêu chuẩn trường quốc tế theo tiêu chí kiểm định. Thay vì phải điều chỉnh học phí một lần mới đảm bảo được những tiêu chuẩn trên, nhà trường chọn hướng điều chỉnh dần qua từng năm để tạo điều kiện cho phụ huynh.

Cụ thể, mỗi năm, ngoài việc công bố công khai học phí vào đầu tháng 5, nhà trường đều gửi đến phụ huynh bảng chi phí học tập và sinh hoạt, quy định nhập học, quy định ưu đãi và phiếu đăng ký năm học mới. Sau khi cân nhắc, học phí năm học 2021 - 2022 của trường được điều chỉnh không quá 15%. Cụ thể, từ lớp 1 - 5 điều chỉnh 15%, lớp 6, 7 điều chỉnh 14%, lớp 8 điều chỉnh 13%, lớp 9 điều chỉnh 12%, lớp 10 - 12 điều chỉnh 11%.

Ông Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh AIS - cho rằng mức tăng này cần được so sánh dựa vào học phí của năm học sau với năm học trước ở cùng một lớp học. Chẳng hạn, so học phí của lớp 4 năm học 2021 - 2022 với lớp 4 năm 2020 - 2021 để ra tỉ lệ tăng giảm. Trong khi đó, nhiều phụ huynh đang đối chiếu tiền học của con mình năm sau so với năm trước là chưa chuẩn xác.

Ngoài ra đại diện AIS cũng nhấn mạnh việc tăng học phí luôn đi theo lộ trình, và gần như năm nào cũng diễn ra. Khoản thu sẽ được dành cho việc phát triển, nâng chất cho trường đạt đến những kiểm định quốc tế. Không thể vì dịch Covid-19 mà trì hoãn hay thay đổi lộ trình đã có từ trước.

Chuyên gia giáo dục độc lập - ông Bùi Khánh Nguyên phân tích: Dưới góc độ kinh doanh giáo dục, phần lớn các trường tư vận hành theo quy luật cung cầu, có nghĩa là tùy theo tương quan giữa nhu cầu của người học và khả năng đáp ứng của trường học mà giá cả (học phí) sẽ lên cao hay xuống thấp. Nếu trường học khan hiếm, mà nhu cầu của phụ huynh quá lớn, các trường sẽ tăng học phí để tối ưu hóa lợi nhuận, và ngược lại. Tuy nhiên cũng trong kinh doanh, còn có quy luật thay thế trên thị trường. Khi một trường học thu mức học phí nhất định nào đó, mà cung cấp chất lượng dở hơn một trường khác cũng cùng mức học phí, tất nhiên phụ huynh sẽ chuyển đi nơi khác. Luật hiện nay cũng không quy định chi tiết học phí trường tư, vì học trường tư là lựa chọn, không phải dịch vụ bắt buộc, nên học phí do phụ huynh và trường học tự thỏa thuận.

Tuy nhiên, ông Bùi Khánh Nguyên cho rằng, dù là kinh doanh thì trong lĩnh vực gì cũng đòi hỏi trách nhiệm xã hội của tổ chức kinh doanh. Một giao dịch được coi là liêm chính và công bằng khi cả hai bên có đầy đủ thông tin minh bạch, trung thực để quyết  định đưa ra không bị sai lệch. Khách hàng luôn có quyền được thông tin đầy đủ. Ví dụ, một trường học có thể coi là có trách nhiệm thỏa đáng khi tăng học phí mà có giải trình hợp lý với phụ huynh dựa trên các điểm chính như: Bù đắp mức lạm phát.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang giữ mức lạm phát xung quanh mức 4%; Phù hợp với thông lệ các trường tư. Các trường quốc tế thường giữ mức tăng học phí khoảng 10% mỗi năm nếu họ phải tăng chi phí trả lương giáo viên, mua chương trình tốt hơn, đầu tư cơ sở vật chất mới, chi phí trả cho các nhà thầu dịch vụ khác; Giải trình về những cải tiến cụ thể khi tăng học phí. Nếu là xây dựng cơ sở vật chất mới thì cụ thể là xây công trình gì, học sinh được hưởng lợi ra sao… Sau khi thu học phí rồi thì phụ huynh có quyền giám sát những lời hứa trước khi tăng phí. Trường đã cân nhắc đến những ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh và đưa ra các giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu ảnh hưởng đó...

Học trường tư là dịch vụ lựa chọn chứ không phải dịch vụ bắt buộc, nên khi gia đình gặp khó khăn tài chính, thậm chí mất việc, phá sản…, bố mẹ có thể chuyển con về trường công hoặc một trường tư phù hợp với khả năng tài chính. - Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.