Theo đó, từ năm học 2022-2023, học phí của trường này tăng lên từ 16 đến 24 triệu đồng/năm, tùy nhóm ngành. Đặc biệt, với chương trình chất lượng cao, dự kiến học phí là 60 triệu đồng/sinh viên/năm. Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng nhà trường.
Tự chủ là nhiệm vụ cấp thiết
PV: Bà có thể chia sẻ thêm về việc nhà trường chuyển sang hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH. Tại sao không sớm hơn hay muộn hơn mà là lúc này?
- PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018), Nghị định 99/2019/NĐ-CP, Hội đồng Đại học Quốc gia TPHCM đã phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học gồm 4 trường thành viên: ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Công nghệ thông tin trong năm 2021.
Trong xu thế chung đó, theo kế hoạch của ĐHQG TPHCM, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu phục vụ người học và xã hội, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM sẽ thực hiện đề án tự chủ, tham gia vào quá trình thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM bắt đầu từ năm học 2022-2023.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng xác định việc đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ là một nhiệm vụ cấp thiết, góp phần tạo nên sự đột phá để thúc đẩy sự phát triển trong giai đoạn mới. Chúng ta cũng thấy rằng, việc tự chủ đại học đang là một xu hướng của sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
Những khó khăn và thuận lợi khi trường chuyển sang hoạt động theo mô hình tự chủ?
- Về thuận lợi, thứ nhất đó là uy tín của một trường Đại học công lập với hơn 60 năm hình thành và phát triển đã có nhiều đóng góp cho xã hội. Thứ hai, đó là sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, viên chức và người lao động của nhà trường. Thứ ba, sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo và các đơn vị bạn trong hệ thống ĐHQG TPHCM, các đối tác, bạn bè trong và ngoài nước.
Ngoài những khó khăn chung của giai đoạn đầu thực hiện tự chủ như những trường đại học khác, Trường ĐH KHXH&NV có khó khăn riêng là trường đại học đào tạo lĩnh vực khoa học cơ bản.
Khi chuyển sang tự chủ, với loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, nhà trường phải đảm bảo sự hài hòa giữa việc đào tạo các ngành học có nhu cầu xã hội cao với các ngành học đặc thù được đào tạo theo nhiệm vụ chính trị, phục vụ chiến lược phát triển bền vững của đất nước, trong số đó có các ngành khó tuyển.
Song song đó, nhà trường phải làm sao để đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho các đối tượng người học, trong đó chú trọng đến người học có năng lực nhưng gặp khó khăn về điều kiện kinh tế.
Cân nhắc kỹ về học phí
Là Hiệu trưởng, áp lực của bà khi trường chuyển sang mô hình tự chủ là gì?
- Quá trình chuyển đổi sang mô hình tự chủ có sự chỉ đạo, quan tâm rất sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, sự thống nhất và quyết tâm của Đảng ủy – Hội đồng – Ban Giám hiệu – viên chức và người lao động vì sự phát triển của nhà trường. Quá trình này, nhà trường cũng nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Là Hiệu trưởng, áp lực hiện nay của tôi là phải làm cho bộ máy và đội ngũ vận hành theo cơ chế mới một cách nhịp nhàng và đồng bộ theo hướng tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình với xã hội. Cụ thể, nhà trường cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, quy định, quy trình vận hành và quan trọng là phải hình thành văn hóa quản trị đại học của bối cảnh mới.
Quá trình này chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thách thức và xung đột giữa những hệ giá trị của cơ chế hoạt động cũ và mới.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm, sẵn sàng và sự đồng lòng của cả tập thể, tôi tin là tập thể sư phạm nhà trường sẽ cùng nhau vượt qua được khó khăn trở ngại phải có trong con đường đổi mới.
Mức học phí khi tự chủ của trường đưa ra tuy cao hơn cũ được nhà trường cân đối thu chi thế nào?
- Thực sự quá trình soạn thảo đề án tự chủ, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và lấy ý kiến đóng góp, vấn đề học phí của nhà trường được cân nhắc kỹ lưỡng nhất vì điều này ảnh hưởng đến người học.
Và đây cũng là lý do nhà trường đưa ra các quan điểm nền tảng để định hướng cho sự tự chủ của mình để có thể cân đối hài hòa các nhu cầu của xã hội và quyền tiếp cận giáo dục của người học.
Do vậy, bên cạnh việc tăng học phí để bù đắp phần nào chi phí thường xuyên không được nhận từ ngân sách nhà nước, nhà trường đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người học của ngành đặc thù và người học có điều kiện khó khăn.
Thứ nhất, trường xây dựng mức học phí phù hợp với ngành đặc thù. Thứ hai, trường đã có chương trình khuyến học khuyến tài do các nhà tài trợ và các đơn vị đồng hành với trường hỗ trợ cho các bạn sinh viên gặp điều kiện khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội học tập; Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia có chương trình tín dụng học tập lãi suất 0%; Chính sách học bổng dành cho các chương trình đặc thù theo lộ trình phù hợp, trường sẽ làm đề án đề nghị Nhà nước hỗ trợ đặt hàng cho các ngành đặc thù của ngành khoa học cơ bản.
Quan điểm của nhà trường là sẽ tập trung tối đa nguồn lực tài chính cho việc cho đào tạo và nghiên cứu (đầu tư cơ sở vật chất, các hoạt động tư vấn – hỗ trợ người học, đầu tư cho nghiên cứu khoa học…) để người học được thụ hưởng nhiều nhất trong quá trình chuyển đổi này..
Do vậy, để cân đối thu chi, nhà trường đã chia sẻ thông điệp với tập thể sư phạm toàn trường trong những năm đầu của quá trình tự chủ, tất cả nguồn lực sẽ tập trung chủ yếu vào bù đắp sự thiếu hụt về nguồn chi thường xuyên, công tác người học nên phần chăm lo cho giảng viên, người lao động sẽ bị hạn chế và sẽ có lộ trình phù hợp sau đó.
Song song đó, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, đối tác, cựu sinh viên… trong việc đồng hành cùng với sự phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới này.
Kỳ vọng của bà về Trường ĐHKHXH&NV TPHCM trong tương lai?
- Tập thể nhà trường kỳ vọng định hướng phát triển của trường trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho trường có những phát triển đột phá, thể hiện trên những phương diện sau:
Một là, phát huy hết năng lực của nguồn nhân lực. Hai là, thực hiện nhiệm vụ quản trị đại học hiệu quả. Ba là, đảm bảo chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế, đào tạo thực sự gắn với nghiên cứu khoa học. Bốn là, xây dựng môi trường học tập hiện đại và hội nhập. Năm là, tăng tính giải trình, tính chịu trách nhiệm của cá nhân và đơn vị. Sáu là, đầu tư nghiên cứu khoa học phù hợp nhằm đạt được kết quả tương xứng. Bảy là, Trường ĐHKHXH&NV TPHCM trở thành nơi hội tụ các tinh hoa của ngành KHXHNV.
Xin cám ơn bà.