TPHCM: Nỗ lực bù lấp kiến thức cho trò

GD&TĐ - Các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đang nỗ lực bù đắp các lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng cho học sinh. Mục tiêu bảo đảm tiến độ năm học, đặc biệt là yêu cầu về chất lượng.

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình.
Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình.

Nỗ lực ôn tập kiến thức

Kể từ khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, đội ngũ giáo viên của Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) đã dồn sức vừa ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, vừa dạy nội dung chương trình theo kế hoạch. Quá trình học trực tuyến quá dài khiến nhiều phần kiến thức bị hổng, nhất là với những em chưa thực sự tập trung và tự học tốt. Vì vậy giáo viên đã không ngừng nỗ lực bù đắp kiến thức cho một số học sinh học sút trong lúc dịch bệnh.

Cô Văn Ngọc Tường Vy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.4, Trường Tiểu học Lê Văn Việt chia sẻ: 100% học sinh đã đến lớp. Sau kết quả kiểm tra học kỳ I, lớp có 2 em chưa đạt, vì vậy trong thời gian quan cô đã kết hợp với phụ huynh để kèm riêng. Cách làm mà cô Vy vận dụng đó là sau khi tan lớp, cô sẽ dành 30 phút để phụ đạo thêm cho 2 em này.

100% học sinh lớp cô Vy chủ nhiệm đã đến trường học tập.
100% học sinh lớp cô Vy chủ nhiệm đã đến trường học tập.

Cô Vy cũng cho biết: “Để tăng cường kiến thức cho học sinh, chuẩn bị đợt kiểm tra học kỳ II sắp tới, tôi thường tổng hợp bài ôn kiến thức theo từng dạng. Việc ôn tập trên lớp là chính, kết hợp hướng dẫn phụ huynh ôn bài cho con mỗi ngày. Công việc ôn tập rất nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh”.

Còn theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Ngọc Lam, chủ nhiệm lớp 1.8 Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), kết thúc học kỳ I, đa phần học sinh đều học tốt và theo kịp chương trình. Tuy nhiên có 2 em chưa thuộc âm, vần.

“Trong thời gian qua, tôi đã chủ động liên lạc với cha mẹ  để cùng phối hợp kèm cặp các em ở nhà. Tuy nhiên do phụ huynh bận đi làm, trong khi đó các con còn nhỏ nên không tự học ở nhà theo sự hướng dẫn của cô giáo được. Vì vậy, tôi đã tận dụng các buổi học sáng kèm cặp 2 em và phụ đạo thêm vào các buổi chiều”, cô Lam cho hay.

Cũng theo cô Lam, khi học trực tiếp, giáo viên tăng thời lượng hướng dẫn học sinh ôn tập, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện lỗ hổng kiến thức, có phương án bù đắp kịp thời. 

Không tạo áp lực cho trẻ

Trường Tiểu học Hoà Bình (Quận 1) có 931 học sinh. Thời điểm cuối tháng 4, các em học đầy đủ, không còn học sinh bị nhiễm Covid-19.  Giáo viên căn cứ vào kết quả kiểm tra cuối học kỳ I và giữa học kỳ II để lập kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo cho các em chưa đạt được yêu cầu cần đạt về kiến thức và kỹ năng.

Các thầy cô Trường Tiểu học Hoà Bình cũng điều chỉnh  nội dụng dạy học cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó tăng cường luyện tập, rèn cho học sinh kỹ năng làm tính, giải toán, kỹ năng viết văn cũng như những kiến thức chung. Ngoài ra, thầy cô cùng phối hợp với cha mẹ để động viên, hướng dẫn, nhắc nhở học sinh ôn tập.

Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoà Bình cho hay: “Trong tháng đầu tiên trở lại học trực tiếp có những tuần, khoảng 30% học sinh ở nhà vì liên quan đến yếu tố dịch tễ. Trong thời điểm đó, thầy cô cũng vượt qua mọi khó khăn để dạy học, linh hoạt trong việc giảng dạy trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo kiến thức trọng tâm đối với học sinh.”

Giáo viên Trường Tiểu học Hoà Bình đã thành lập các nhóm Zalo hoặc Viber để kịp thời thông tin việc học tập của em con đến phụ huynh .
Giáo viên Trường Tiểu học Hoà Bình đã thành lập các nhóm Zalo hoặc Viber để kịp thời thông tin việc học tập của em con đến phụ huynh .

Theo cô Hương, đối với học sinh lớp 1 và 2, qua kết quả kiểm tra trực tiếp học kỳ I tại trường, có 98% đạt yêu cầu. Đối với các em chưa đạt, giáo viên đã tăng cường hình thức luyện tập, chủ động trong việc điều chỉnh nội dung dạy học.

“Riêng với khối lớp 1 và 2, giáo viên sẽ căn cứ vào các yêu cầu cần đạt để rèn cho học sinh chứ không đặt nặng vấn đề thành tích hay kiến thức dàn trải. Đề kiểm tra cũng phải phù hợp, vừa sức với học sinh, tăng cường những nội dung vận dụng thực tế. Bên cạnh đó, thầy cô cũng động viên khen ngợi, phải sát sao nhưng nhẹ nhàng, thân thiện giúp học sinh có động lực và niềm vui trong học tập”, cô Hương nhấn mạnh.

Khi học trực tuyến, phụ huynh rất lo lắng vì con chưa tập trung, tuy nhiên khi học trực tiếp, các em tiến bộ rõ rệt. Giáo viên có nhiều hình thức liên kết với phụ huynh trong công tác chủ nhiệm, có nhóm Zalo hoặc Viber với phụ huynh để kịp thời cung cấp tình hình trong lớp cũng như những thông báo chung của nhà trường, cấp trên.

Chia sẻ về việc chuẩn bị cho công tác kiểm tra học kỳ II, cô Hương cho biết: Nhà trường lập kế hoạch kiểm tra định kỳ theo lịch năm học của phòng giáo dục. Cụ thể, nhà trường tổ chức kiểm tra học kỳ II vào tuần 33 và 34.

“Học sinh tiểu học sau lần kiểm tra chính thức, nếu chưa đạt yêu cầu  sẽ có 2 lần kiểm tra lại trong dịp hè. Giáo viên chủ nhiệm sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc phụ đạo cho học sinh.

Theo số liệu hàng năm của trường, số lượng học sinh kiểm tra lại của mỗi khối không nhiều, có khối chỉ có 1 đến 2 em, cho nên giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi bài tập hoặc giảng bài trực tuyến. Trước kỳ kiểm tra 2 tuần, các cô sẽ mời học trò đến trường để phụ đạo, bồi dưỡng trực tiếp.”, cô Hương trao đổi.

“Trường Tiểu học Hoà Bình có 10 học sinh học hoà nhập (khuyết tật về trí tuệ và vận động). Đối với những em này, giáo viên có đề kiểm tra riêng. Trong quá trình học tập, ngoài giảm nhẹ nội dung học, thầy cô còn chủ động xin miễn những môn học quá sức với một số em.  Nhà trường chỉ đánh giá sự tiến bộ của từng em chứ không đánh giá chung như học sinh khác”, cô Hương cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.