Theo đó, cuộc thi được phát động từ đầu năm học với hơn 600 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của học sinh đăng kí dự thi cấp TP, trong đó có 251 đề tài của THCS và 366 đề tài của THPT. Sau vòng sơ khảo, ban giám khảo đã chọn ra 102 đề tài xuất sắc đến từ 44 trường dự vòng chung kết cấp TP sáng nay.
Bên cạnh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (21 đề tài), Trường THPT Gia Định (12 đề tài) có sự góp mặt của các đơn vị mới như: THCS Quang Trung Gò Vấp, THPT Tân Túc.
Học sinh Trường THPT Gia Định với đề tài Robot thông minh dọn rác trên bãi biển |
Đặc biệt, năm nay cuộc thi thu hút số lượng các đề tài NCKH của học sinh THCS tăng nhiều so với các năm. Nhiều em học sinh THCS đã bắt đầu hình thành những ý tưởng nghiên cứu có tính ứng dụng cao: “Đai lưng thông minh” hỗ trợ cho người khiếm thị hay đề tài “Giúp vết thương mau cầm máu từ dịch chiết lá sống đời” của HS Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp); “Máy sấy hoa quả sử dụng năng lượng mặt trời” của học sinh Trường THCS Hiệp Phước (huyện Nhà Bè);…
Một số đề tài liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội hành vi như: Khi áp lực trở thành bạo lực tinh thần; Giải pháp ứng phó với hành vi bạo hành bằng lời nói cho HS THPT ở TPHCM; Nghiên cứu tác động của mạng XH và xây dựng bộ cẩm nang ứng dụng hiệu quả cho HS THCS ở quận 1, TPHCM; Nhận thức của HS THPT ở TP.HCM về hành vi cô lập bản thân-Thực trạng và giải pháp… cũng được các đại biểu, giáo viên, học sinh tham dự vòng chung kết quan tâm.
Học sinh THCS với đề tài Máy sấy hoa quả sử dụng năng lượng mặt trời |
Một số đề tài gây ấn tượng với ban giám khảo như: Thiết bị đa năng hỗ trợ hoạt động cho người bị Parkinson; Hệ thống chống ngập lụt “Xanh” ở TP.HCM; Robot thông minh dọn rác trên bãi biển; Kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật chân; Gậy thông minh dành cho người cao tuổi và người bị yếu chân;
Đề tài về Hướng nghiệp được học sinh Trường THPT Thủ Đức rất quan tâm với những giải pháp và chương trình hành động thiết thực |
Cuộc thi đã kích thích sự sáng tạo trong học sinh; phát triển năng lực tự học; giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học; giúp học sinh rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Cuộc thi cũng tạo cơ hội khởi nghiệp cho học sinh.
Học sinh đang trình bày đề tài Hệ thống chống ngập lụt “Xanh” ở TP.HCM |
Bên cạnh đó, cuộc thi góp phần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy và học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường…
Sau vòng chung kết cấp TP, Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra 33 đề tài xuất sắc để tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2019.