Tổng lực cho vắc-xin

GD&TĐ - Đông Nam Á đang là ổ dịch nghiêm trọng khi nhiều nước liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới về số ca nhiễm do biến chủng Delta gây ra.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do tỷ lệ tiêm chủng thấp, nên cả khu vực đang dồn toàn lực cho việc tiếp cận và triển khai tiêm vắc-xin.

Trong ngày 27/7 có tổng cộng gần 100.000 ca nhiễm mới được ghi nhận tại Đông Nam Á, trong đó cao nhất là Indonesia với gần 40.000 ca, tiếp theo là Thái Lan và Malaysia đều trên 15.000 ca.

Việt Nam cũng đang liên tiếp có số ca nhiễm cao kỷ lục từ trước đến nay với gần 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, chủ yếu là tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Ngoài nguyên nhân chính là biến chủng Delta hoành hành thì việc có tỷ lệ tiêm  vắc-xin thấp so với thế giới cũng đang góp phần khiến Đông Nam Á chìm sâu trong làn sóng dịch.

Theo số liệu tính đến cuối tháng 7, quốc gia dẫn đầu khu vực về tỷ lệ người dân tiêm đủ hai liều vắc-xin là Singapore với 49,1%, tiếp theo là Campuchia 25,7% và Malaysia 16,1%.

Tất cả các quốc gia còn lại của Đông Nam Á đều đang có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ dưới 10% dân số. Trong khi đó theo các chuyên gia, vắc-xin hiện vẫn là con đường mang tính quyết định để khu vực có 650 triệu dân này có thể lật ngược được tình thế chống dịch.

Do đó, Đông Nam Á đang dồn mọi nguồn lực để đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng tới mốc đạt miễn dịch cộng đồng là trên 70% dân số, một thách thức lớn khi nguồn cung vắc-xin toàn cầu vẫn đang vô cùng căng thẳng.

Các nước Đông Nam Á hiện nay đều đang phụ thuộc hoàn toàn vào các loại vắc-xin ngoại như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson của Mỹ, AstraZeneca của Anh, Sputnik V của Nga hay Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc.

Trong khi đó, các loại vắc-xin nội do các nước như Việt Nam, Thái Lan... tự sản xuất vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Với tốc độ lây lan dữ dội của biến chủng Delta thì mục tiêu trong ngắn hạn của các nước là tìm mọi cách đa dạng hóa nguồn cung vắc-xin bằng thương thảo và ngoại giao, qua đó đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng của mình.

Ngoài một số nước đặt mua sớm đã được nhận vắc-xin như Singapore, Malaysia, Thái Lan, thì nguồn cung quan trọng nhất cho Đông Nam Á hiện nay là từ nguồn viện trợ trực tiếp của các nước lớn và thông qua cơ chế COVAX.

Tại Việt Nam, dự kiến trong năm 2021 sẽ có hơn 120 triệu liều vắc-xin các loại để tiêm cho người dân bao gồm cả nguồn từ đàm phán mua, chuyển giao công nghệ sản xuất và viện trợ trực tiếp.

Tính đến cuối tháng 7 đã có hơn 14 triệu liều vắc-xin có mặt để tiêm cho khoảng 4% dân số, chủ yếu là từ nguồn COVAX và viện trợ trực tiếp của một số nước như Mỹ và Nhật Bản.

Việc biến chủng Delta đang nhấn chìm Đông Nam Á vào làn sóng lây lan tồi tệ cũng khiến các nước tăng cường hỗ trợ khu vực này tiếp cận vắc-xin.

Ngoài lý do nhân đạo thì cảnh báo của giới chuyên gia về việc những ổ dịch lớn kéo dài như tại Indonesia có thể sản sinh ra biến chủng mới còn nguy hiểm hơn Delta cũng khiến nguồn cung vắc-xin cho khu vực được quan tâm hơn.

Chính hãng dược AstraZeneca của Anh hôm 24/7 cũng thông báo công ty này đang sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng cường hơn nguồn cung vắc-xin cho Đông Nam Á nhằm khắc phục sự thiếu hụt hiện nay.

Các nước lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Australia cũng đang đưa ra các cam kết mới về viện trợ vắc-xin cho khu vực, mở ra nhiều hy vọng để Đông Nam Á vượt qua làn sóng dịch hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ