Tiêm chủng ở Vương quốc Hạnh phúc

GD&TĐ - Trong tuần qua, Bhutan đã tiêm hơn 450.000 liều vắc-xin Covid-19 cho hơn 85% trong số 530.000 người trưởng thành đủ điều kiện tiêm chủng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ông Will Parks, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Bhutan ca ngợi kế hoạch tiêm chủng tại Vương quốc Hạnh phúc là “câu chuyện thành công to lớn”.

Các chiến lược triển khai vắc-xin và chiến dịch tiêm chủng tại Bhutan, quốc gia nhỏ bé với 770.000 dân nằm ở Nam Á, đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Trong 3 tuần đầu tiên của tháng 3/2021, 61% dân số Bhutan đã được tiêm vắc-xin, tương đương với Israel, quốc gia đi đầu về tiêm chủng vào thời điểm đó.

Điều này đã gây nên bất ngờ bởi ngành sản xuất dược phẩm trong nước của Bhutan không phát triển mạnh mẽ. Nhưng việc Ấn Độ tài trợ vắc-xin cho Bhutan và một số nước láng giềng trong khu vực đóng vai trò quan trọng để đất nước này triển khai tiêm chủng.

Bhutan đã nhanh chóng sử dụng hết 550.000 liều vắc-xin AstraZeneca do Ấn Độ tài trợ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Ngay sau đó, Ấn Độ phải tạm dừng xuất khẩu vắc-xin do hứng chịu làn sóng Covid-19 mới. Tình huống nguy hiểm của nước láng giềng đẩy Bhutan vào bài toán hóc búa: Tìm nguồn cung cho kế hoạch tiêm chủng đợt 2.

Bhutan đã kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới tham gia quyên góp. Thông qua Chương trình Covax, quốc gia này nhận được nửa triệu liều Moderna do Mỹ tài trợ và 250.000 liều vắc-xin AstraZeneca từ Đan Mạch. Trong khi đó, chính phủ đã đặt mua 200.000 liều Pfizer, dự kiến giao vào cuối năm 2021.

Kế hoạch tiêm chủng đợt 2 tại Bhutan ghi nhận nhiều loại vắc-xin khác nhau như AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Sinopharm. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn ghi nhận những kết quả khả quan.

Đến nay, Bhutan ghi nhận dưới 2.500 ca nhiễm Covid-19 và hai ca tử vong. Chương trình tiêm chủng của Bhutan hầu như không bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 từ Ấn Độ, trái ngược với nhiều quốc gia Nam Á hay châu Á khác.

Quốc gia này được đánh giá là bài học về tiêm chủng vắc-xin cho thế giới. Chiến lược tiêm kết hợp của Bhutan có thể tác động lớn đến nền khoa học toàn cầu. Hiệu quả của việc kết hợp nhiều loại vắc-xin trong hai lần tiêm chủng vẫn là điều còn gây tranh cãi.

Kết quả từ chiến lược của Bhutan có thể đóng góp các cơ sở khoa học cần thiết để nghiên cứu về phản ứng sau khi tiêm trộn, đồng thời khuyến khích người dân các quốc gia tích cực tham gia tiêm chủng.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia như Bhutan phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ vắc-xin, công nghệ y tế phòng, chống dịch từ các nước phát triển.

Chương trình tiêm chủng tại các nước này có thể bị đình trệ bởi những tranh cãi liên quan đến bằng sáng chế, bí mật thương mại hay quyền sở hữu trí tuệ vắc-xin. Trong khi đó, biến chủng Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh chóng và có khả năng xuất hiện biến thể mới.

Bài học từ Bhutan đồng thời là lời kêu gọi các nước phát triển, các nhóm vì cộng đồng trên thế giới chung tay phân bổ và tài trợ vắc-xin cho các nước yếu thế để thế giới cùng nhau chống lại đại dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ