Theo đó hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây được gộp thành một kỳ thi quốc gia (gọi chung là Kỳ thi THTP quốc gia). Kỳ thi này xét cho thí sinh hai nguyện vọng: Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Qua 4 năm triển khai thực hiện đã đạt được những thành tựu đồng thời cũng bộc lộ một số tồn tại.
Thành tựu và hạn chế
Mới đây, nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Đo lường đánh giá phát triển GD (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã đưa ra Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới dựa trên những nghiên cứu nhìn nhận từ Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga (Viện trưởng Viện Đo lường đánh giá phát triển GD): Việc tổ chức một Kỳ thi THPT quốc gia (như đang áp dụng) đã góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương Tám (Khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tổ chức một Kỳ thi THPT quốc gia đã giảm áp lực và tốn kém cho các trường đại học, phụ huynh và HS được xã hội đồng tình. Từ khi có Kỳ thi THPT quốc gia toàn ngành GD chỉ phải tổ chức một lần thi cho trung bình khoảng một triệu thí sinh/năm; thay vì phải tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ vốn căng thẳng từ khâu ra đề, chấm thi, thông báo kết quả dồn dập của các kỳ thi liên tiếp trong thời gian kéo dài cả tháng như trước.
Tổ chức một Kỳ thi THPT quốc gia, sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH đã bảo đảm việc tổ chức thi chặt chẽ, nghiêm túc. Sự phối hợp giữa giảng viên các trường ĐH, CĐ với các Sở GD&ĐT địa phương trong khâu coi thi, chấm thi, cùng với việc tăng số lượng mã đề thi, bảo đảm mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề riêng, đã giảm được hiện tượng trao đổi bài, quay cóp trong quá trình thi; bảo đảm kết quả thi khách quan, phản ánh thực chất hơn trình độ của thí sinh; làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và GD ĐH, được các trường ĐH, CĐ sử dụng để tuyển sinh.
Cùng đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, đã giảm được thời gian, chi phí trong khâu chấm thi, quản lý kết quả thi và tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh đăng ký chọn môn thi.
Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá đã có tác động tích cực tới việc đổi mới phương pháp dạy và học. Việc tổ chức một kỳ thi với kiến thức phổ rộng, sử dụng một bộ đề dùng chung cho toàn quốc, bảo đảm HS được trang bị kiến thức toàn diện, đồng thời hạn chế sự phát triển của các lò luyện thi tại các thành phố lớn, bảo đảm cơ hội công bằng trong tuyển sinh vào các trường ĐH của thí sinh các vùng miền khác nhau.
Việc xây dựng và triển khai thi trắc nghiệm khách quan (ngoại trừ môn Ngữ văn) đã giảm chi phí trong khâu chấm thi, hạn chế được yếu tố khách quan tác động đến kết quả làm bài của thí sinh, hạn chế quay cóp, gian lận trong quá trình thi.
Cùng đó, khi giao cho các trường ĐH, CĐ tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh, tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập, đã đảm bảo được quyền tự chủ của các trường. Công tác xét tuyển ĐH đảm bảo được các tiêu chí an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển cũng đã phản ánh được chất lượng đầu vào và thể hiện được sự phân hóa chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường
Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Còn xảy ra hiện tượng vi phạm nghiêm trọng quy chế thi tại một số địa phương, làm sai lệch kết quả một số bài thi, gây lo lắng, hoang mang cho phụ huynh và thí sinh.
Ảnh minh họa |
Do các đề thi phải gánh cùng lúc hai nhiệm vụ: Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nên độ phân hóa thí sinh của các đề thi chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa hoàn toàn phù hợp với việc tuyển sinh ĐH, ít nhiều ảnh hưởng đến việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu chấm và quản lý kết quả thi còn có những kẽ hở ở khâu bảo mật, dẫn đến một số hành vi lợi dụng làm sai lệch kết quả thi; sự phối hợp của cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ với các Sở GD&ĐT trong công tác coi thi, chấm thi tại một số điểm thi chưa chặt chẽ.
Nguyên nhân được PGS.TS Nguyễn Phương Nga chỉ ra bởi mô hình tổ chức đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT còn kẽ hở để cán bộ quản lý đề thi, chấm thi lợi dụng làm sai lệch kết quả. Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT đối với các địa phương vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra, giám sát quá trình chấm thi chưa đáp ứng yêu cầu. Đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhỏ cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ quản lý bài thi, chấm thi bị xuống cấp…
Kinh nghiệm nhìn từ thế giới
Đánh giá HS xét công nhận tốt nghiệp THPT trên thế giới hiện nay có nhiều phương thức. Một số quốc gia không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quy mô, mà giao cho các trường THPT tự tổ chức thi hết các môn học cho HS, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình GDPT. Mô hình này sẽ thuận lợi cho các trường THPT và cho tất cả cho HS. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia sẽ không có được dữ liệu quốc gia chung về kết quả học tập của các vùng miền, làm cơ sở để đưa ra các chủ trương chính sách về GD…
Tại một số nước lại áp dụng phương thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia cho HS lớp 12 do cơ quan cấp Bộ điều hành thi và thiết kế đề thi… Với mô hình này, mỗi quốc gia sẽ có được mặt bằng chung về kiến thức và kỹ năng của HS tốt nghiệp THPT làm căn cứ để hoạch định các chủ trương và chính sách về GD, có đầu tư trọng điểm phù hợp cho ngành GD.
Mô hình HS tham dự các kỳ thi do các tổ chức chuyên nghiệp có uy tín tổ chức, với các đề thi đã được chuẩn hóa, để lấy chứng chỉ tốt nghiệp THPT cũng được một số nước áp dụng. Với mô hình này, HS được lựa chọn thời điểm thi phù hợp và có thể thi nhiều lần để khẳng định năng lực của bản thân; gia đình và toàn xã hội không bị áp lực, hay tác động bởi một kỳ thi trên diện rộng trong cùng một thời điểm - điều làm xáo động toàn bộ sinh hoạt chung của xã hội.
Về tuyển sinh ĐH, trên thế giới hiện nay cũng đang tồn tại một số mô hình tiêu biểu:
Mô hình sử dụng điểm số của một kỳ thi tuyển sinh ĐH duy nhất được tổ chức 1 lần/năm trên toàn quốc. Bên cạnh ưu điểm là có thể so sánh được năng lực của tất cả thí sinh dự thi ĐH trong năm đó trên toàn quốc mô hình này cũng bộc lộ nhược điểm cơ bản. Đó là: Tạo ra sức ép rất lớn đối với thí sinh, thí sinh không có nhiều cơ hội để thể hiện rõ năng lực của bản thân; toàn bộ các hoạt động trong xã hội và các gia đình hầu như bị xáo trộn…
Mô hình phổ biến khác là các trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT cùng các yếu tố kết hợp: Kết quả học tập ở THPT, các bài luận... để xét tuyển vào ĐH. Với mô hình này, các trường ĐH và Bộ GD&ĐT của các quốc gia không phải tổ chức thêm một kỳ thi tốn kém cho cả nước, giảm thiểu hoàn toàn sự căng thẳng của một kỳ thi quốc gia nữa…
Cuối cùng là mô hình sử dụng kết quả thi chẩn đoán năng lực của thí sinh và/hoặc kết hợp với kết quả học tập ở THPT để tuyển sinh vào học ĐH. Mô hình này hiện đang được phát triển rộng rãi ở các nước phát triển, nơi có các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp trong thiết kế xây dựng các đề thi đánh giá năng lực được chuẩn hóa…
Giải pháp cho Việt Nam
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đo lường đánh giá phát triển GD đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Trước tiên sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH hiện nay theo hướng bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi THPT quốc gia.
Cùng với đó, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân tham gia vào vận hành mô hình; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các sai phạm; Chuẩn hoá hệ thống ngân hàng câu hỏi thi, đề thi theo hướng tăng độ phân hoá, đáp ứng yêu cầu xét, công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi; hoàn thiện các phần mềm đăng ký thi, chấm thi, quản lý kết quả theo hướng tăng tính bảo mật và khả năng nhận dạng các bài thi.
Tiếp tục thực hiện công khai kết quả thi để toàn xã hội giám sát, phản biện.
Xây dựng ngân hàng đề thi tốt nghiệp phủ kín nội dung chương trình, với số lượng đủ lớn để có thể triển khai thi trên máy tính (đối với các môn thi trắc nghiệm khách quan).
Xác định lộ trình phát triển các tổ chức đánh giá chuyên nghiệp với các công cụ thang đánh giá theo chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện để thí sinh có thể tham gia nhiều đợt thi trong năm, giảm áp lực và tốn kém.