Những con số giật mình
PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội – trích số liệu từ một số nghiên cứu: Cứ 4 bé gái đến trước 10 tuổi có 1 bé bị xâm hại tình dục. Cứ 6 bé trai đến trước 10 tuổi có 1 bé bị xâm hại tình dục. Tỉ lệ trung bình học sinh có quan hệ tình dục trước sinh nhật tuổi 15 là 13%. Tỉ lệ trung bình học sinh THCS bị quấy rối tình dục là 20%, nhưng 80% lại coi đó là hành vi trêu ghẹo, hoặc tán tỉnh.
Tỉ lệ trung bình học sinh đến 14 tuổi đã từng tìm kiếm và xem phim sex là 10%. Tỉ lệ học sinh THCS bị tung tin, hình ảnh xấu lên mạng làm ảnh hưởng đến cảm xúc và kết quả học tập là 18%. Tỉ lệ học sinh THCS bị dẫn dụ, quấy rối, bắt nạt trên mạng: 20%.
Tỉ lệ nạo phá thai tuổi teen đang tăng nhanh. Tỉ lệ nạo phá thai vị thành niên tại Việt Nam cao thứ 5 của thế giới. Tuổi trung bình quan hệ tình dục lần đầu là 16, giờ có xu hướng giảm xuống còn 11 - 13. Khoảng 30% ca mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) dưới tuổi 20…
Cũng từ một số nghiên cứu cho thấy học sinh thường có nhiều thắc mắc về tình yêu, tình dục. Nhiều câu hỏi các bạn muốn được trả lời, nhưng khó chia sẻ như: Mình nhìn thấy bố mẹ tắm với nhau, tại sao họ lại làm thế nhỉ? Làm sao mà có em bé, hôn nhau có thể có em bé không? Liệu thủ dâm nhiều có làm người ta bị ốm không? Mình thích một anh và anh ấy đã sờ mó mình, mình sợ nhưng không muốn mất quan hệ, làm sao đây?
Bọn mình là bạn được 2 năm rồi, mình nghĩ mình yêu cô ấy nhưng không dám hẹn hò vì sợ nếu đổ vỡ sẽ hỏng luôn cả tình bạn, mình có nên yêu không? Liệu tình yêu này có bền không, phải làm gì để nó lâu bền?
Sao bố mẹ cứ cấm mình yêu vì còn quá trẻ, chẳng nhẽ từng này tuổi chưa đủ lớn và nghiêm túc sao? Bọn mình yêu nhau và gần đây anh ấy muốn đòi hỏi tiến xa hơn, liệu mình đã sẵn sàng cho việc quan hệ chưa? Làm thế nào để biết mình đã sẵn sàng?...
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, thực tế là hiện nay trẻ sống trong một nền văn hóa tràn ngập các chủ đề tình dục. Mặc dầu trẻ có rất nhiều vấn đề đáng lo nhưng các em không nói chuyện với cha mẹ vì sợ những phản ứng tiêu cực từ cha mẹ mình.
Nhiều trẻ không biết cách bắt đầu nói về vấn đề này như thế nào và thấy không có thời điểm nào thích hợp để chia sẻ. Hoặc các em tin rằng cha mẹ sẽ không bình tĩnh hoặc chẳng thể hiểu những điều mình nói, sẽ phạt mình...
Và vì vậy, trẻ sẽ tìm giải đáp cho các vấn đề tình yêu học trò nơi bạn đồng trang lứa, những anh chị lớn hơn, google, các trang web người lớn và nhiều thứ khủng khiếp khác.
Trách nhiệm quan trọng nhất thuộc về cha mẹ
Khẳng định đã đến lúc phải “vẽ đường cho hươu chạy đúng”, PGS Trần Thành Nam cũng nêu quan điểm: Trách nhiệm giáo dục về tình bạn – tình yêu – tình dục, vai trò quan trọng nhất thuộc về cha mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nói chuyện với các con về vấn đề này của các bậc làm cha mẹ thường diễn ra quá muộn và nói “cho qua” chứ không phải nói “cho ra” vấn đề.
PGS Trần Thành Nam cho biết, độ tuổi teen được cha mẹ nói chuyện có xu hướng trì hoãn quan hệ tình dục lần đầu chậm hơn; khi quan hệ có sử dụng các biện pháp an toàn nhiều hơn. Trẻ được tin tưởng, được trao quyền thì có lòng tự trọng cao hơn và cân nhắc, có trách nhiệm hơn trước hành vi.
“Cha mẹ cần hành động ngay vì 88% trẻ sẽ trì hoãn các hành vi đi quá giới hạn nếu cha mẹ nói chuyện bình tĩnh và cởi mở với con về vấn đề này, có được mối quan hệ thân mật với con. Trẻ sẽ điều chỉnh lại những thông tin sai lệch biết qua bạn bè hoặc Internet. Và quan trọng là, đứng trước tình yêu tuổi học trò, cha mẹ cần xây dựng sự tin tưởng. Nếu khi nói chuyện với con mà trẻ trở nên ngượng ngùng lúng túng có nghĩa là bạn đã bắt đầu nói chuyện quá muộn” – PGS Trần Thành Nam cho hay.
Một số câu nói cha mẹ nên chia sẻ cùng con được gợi ý như: Mẹ có thể bận bây giờ nhưng chắc chắn sẽ dành thời gian để nghe con. Mẹ hiểu những cảm giác của con về những băn khoăn/câu hỏi, mẹ sẽ giữ bí mật nếu con muốn. Mẹ rất vui vì con đã tin tưởng để chia sẻ… Cha mẹ nghĩ nên trì hoãn việc quan hệ cho đến ít nhất khi con tốt nghiệp ĐH, con nghĩ sao?
Con nghĩ có thể có những điều gì sẽ xảy ra khi quan hệ ở tuổi này? Nếu con nghĩ là tất cả các bạn tuổi con đã từng quan hệ tình dục thì đó là sai lầm đấy… Ở tuổi này con có thể không biết đủ thông tin để ra quyết định đúng đắn – đó là chuyện bình thường; là cha mẹ, bố mẹ sẵn sàng lắng nghe và giúp con cân nhắc lợi hại trước khi ra quyết định. Con còn nhiều sở thích khác, hãy đầu tư thời gian cho nó…
PGS Trần Thành Nam cũng cho rằng, cha mẹ nên giải thích cho con bản chất tình yêu. Tình yêu là một dạng cảm xúc mãnh liệt, bao gồm sự đam mê – hấp dẫn giới tính; sự gắn bó lâu dài và sự cam kết (chia sẻ trách nhiệm cuộc sống và gia đình trong hiện tại và tương lai). Tình yêu là một quá trình. Tình yêu khác với cảm xúc yêu…
Về quan hệ tình dục, cha mẹ nên cho con hiểu, để tiến tới điều này cần lớn cả về tâm hồn và thể chất, nếu không thì có thể sẽ bị thất vọng ê chề. Quan hệ tình dục là cách chia sẻ với nhau những điều thầm kín nhất, vì vậy cần thời gian để khám phá nhau, học cách tôn trọng nhau, lắng nghe lẫn nhau và thực sự tin tưởng nhau. Nếu còn nghi ngại về những điều có thể tổn thương sau đó, hãy thực hành nói không với điều này.
“Tóm lại, thời gian bên con chính là sự hỗ trợ giá trị nhất” – PGS Trần Thành Nam cho hay.