Đó là chia sẻ của anh Tạ Quang Tưởng, Phó Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu phát triển, Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng. Anh là một trong 03 cá nhân điển hình được Hội đồng Thi đua khen thưởng của Bộ KH&CN đã lựa chọn trong năm 2017. Nhân dịp này phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với anh Tạ Quang Tưởng về những đam mê của anh.
-Anh có thể chia sẻ thêm về con đường theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học của mình? Những kết quả mà cá nhân anh đã thu nhận được trong thời gian qua?
Anh Tạ Quang Tưởng: Sau khi rồi ghế nhà trường Đại học Nông nghiệp 1- Hà Nội, nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, tôi may mắn được vào làm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng nay là Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, từ đó đến nay tôi vẫn luôn gắn bó với công tác nghiên cứu và chuyển giao như đúng với chức năng và nhiệm vụ của Viện.
Được sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp của đồng nghiệp và sự chỉ đạo của Chi ủy và Lãnh đạo Viện, Phòng, tôi đã cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian qua. Đây có thể coi là nguyên nhân góp phần lớn để tôi hoàn thành tốt mọi công việc như ngày hôm nay.
Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng là đơn vị nghiên cứu chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng vì vậy các nghiên cứu đều được ứng dụng trong đời sống và trong sản xuất nông nghiệp như: quy trình thiết kê, chăm sóc, tưới phân cho chè, quy trình trồng khoai môn, quy trình trồng rau,...
Thông qua đó còn tiến hành tập huấn cho người dân, quy hoạch, xử lý môi trường và đánh giá môi trường đều là những hướng nghiên cứu đã được triển khai.
Xây dựng nhiều mô hình điển hình tại các địa phương góp phần phát triển kinh tế hộ xây dựng nông thôn mới. Nhiều giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả có chất lượng cho các mô hình trong xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lai Châu,...
Nhiều mô hình chắn cát vùng ven biển Bắc Trung Bộ đã được xây dựng như keo lá liềm, lá tràm và giống cây cho vùng đất cát biển như khoai lang, lạc, dưa hấu cũng đã được triển khai,.. và còn nhiều quy hoạch đã được triển khai trên thực tế tại các địa phương,...
Trong thời gian qua, tôi cùng các đồng nghiệp đã thông qua các hoạt động nghiên cứu, đã tham gia chuyển giao 12 quy trình kỹ thuật, tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 400 lượt cán bộ, nông dân tại các địa phương; đã xây dựng được 60 ha mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, tạo ra những sản phẩm có giá trị vượt trội, được người dân và các cấp chính quyền địa phương đánh giá cao...
-Công việc nghiên cứu có chiếm nhiều thời gian của anh không? Anh làm thế nào để hài hòa giữa công việc chuyên môn và chăm sóc gia đình?
Anh Tạ Quang Tưởng: Công tác chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ cho vùng sâu, vùng xa vùng nông thôn miền núi đã đươc Lãnh đạo Viện và bản thân quan tâm, đây thực sự là cầu nối trong việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ tới với người nông dân.
Đặc thù công việc của các Nghiên cứu viên của Viện trong đó có tôi, đa phần là phải đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng Dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế nên công tác tổ chức nghên cứu, triển khai các nhiệm vụ tương đối mất nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên mỗi cán bộ được giao nhiêm vụ đều chủ động lên kế hoạch một cách cụ thể chi tiết để đảm bảo công việc được thực hiện tốt nhất và đem lại hiệu quả nhất, từ đó đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Chính vì thế, hàng năm, Viện đều có tổ chức phê duyệt kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, phân công công việc cho từng cán bộ cụ thể và thường xuyên trao đổi, kiểm tra giám sát để việc thực hiện các kế hoạch đảm bảo và hiệu quả, do có kế hoạch cụ thể trong công việc nên vẫn hài hòa được giữa công việc chuyên môn và chăm sóc gia đình.
-Trên con đường ấy đã bao giờ anh gặp phải thất bại, động lực nào giúp anh vượt qua thất bại ấy?
Anh Tạ Quang Tưởng: Con đường nghiên cứu không phải lúc nào cũng bằng phẳng và thành công. Công tác chuyển giao khoa học công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số, cũng như triển khai nghiên cứu ở vùng nay còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí còn thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.
Có nhiều mô hình phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công, tuy nhiên với sự kiên trì của nhóm nghiên cứu, ban chủ nhiệm đề tài cũng như chỉ đạo của Chi ủy và Lãnh đạo Viện đã góp phần xây dựng nhiều mô hình chuyển giao khoa học công nghệ, cũng như mô hình nghiên cứu tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật dân trí góp phần phát triển kinh tế tại địa phương đồng thời tìm ra được các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa trong thực tiễn.
-Anh có thể chia sẻ hướng nghiên cứu của mình trong những năm tới. Anh có mục tiêu như thế nào trong sự nghiệp nghiên cứu lâu dài của mình?
Anh Tạ Quang Tưởng: Xác định gắn bó với công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cho vùng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng sa. Tuy nhiên bản thân cũng mong muốn những công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp có thể được tiếp cận như công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, xây dựng nhà màng sẽ được nghiên cứu và thử nghiệm.
Từ đó có cơ sở để cho bà con được đến thăm quan học tập, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, sản xuất và gắn với thương mại hóa kết quả nghiên cứu đảm bảo các sản phẩm trong nghiên cứu được phát triển theo chuỗi góp phần nâng cao thu nhập và trình độ dân trí của nông dân.