Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong sinh viên Sư phạm

GD&TĐ - Trong quá trình đổi mới giáo dục, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học giáo dục đối với giáo viên. Đối với sinh viên sư phạm, nghiên cứu khoa học cũng vô cùng hữu ích cho việc bồi dưỡng và phục vụ nghề nghiệp giảng dạy trong tương lai. 

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong sinh viên Sư phạm

Để phát triển năng lực NCKH trong sinh viên sư phạm đã và đang đòi hỏi các trường Sư phạm đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu giúp hoạt đông này phát huy hiệu quả.

Nâng “chất” sinh viên Sư phạm qua NCKH

Theo nhận xét của TS. Trần Mai An (ĐHSP – ĐH Đà Nẵng) thì hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ở các trường ĐH nói chung và các trường ĐHSP nói riêng là hoạt động giúp sinh viên tiếp cận và làm quen với môi trường khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học cũng như rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, năng lực nghiên cứu và tạo phong cách làm việc khoa học. Thông qua hoạt động này, sinh viên được trang bị một hệ thống phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành làm nền tảng cho việc học tập và nghiên cứu. Đồng thời, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên còn là một trong những giải pháp tích cực và hiệu quả nhất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao tính sáng tạo và đạo đức khoa học của sinh viên.

Ở các trường ĐHSP, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên thường được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp, viết bài tham dự hội nghị khoa học và đăng bài trong kỷ yếu khoa học, tạp chí khoa học hay thực hiện những nghiên cứu khoa học độc lập ở cấp khoa, cấp trường… Các nghiên cứu này không đòi hỏi kết quả mang tầm vĩ mô, mà mục tiêu chính là trang bị cho sinh viên các kiến thức, kĩ năng nghiên cứu khoa học độc lập để hỗ trợ cho hoạt động học tập và chuẩn bị cho các dự án thật sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy, khi tiếp cận nghiên cứu khoa học trong sinh viên, thông thường các trường đặt nhiều trọng tâm vào hoạt động nghiên cứu hay quá trình tiến hành nghiên cứu.

Nhiều năm gần đây, hầu hết các trường sư phạm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Mỗi năm, ngoài số lượng lớn sinh viên từ năm thứ hai đến năm thứ tư tham gia làm bài tập lớn, tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp thì số lượng các công trình nghiên cứu khoa học độc lập đều không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, được phân bố rộng ở các nhóm ngành nghiên cứu.

Tại trường ĐHSP – ĐH Đà Nẵng từ năm 2010 – 2014 sinh viên thực hiện được 1076 công trình, trong đó có 248 công trình đạt các cấp; Trường ĐHSP Hà Nội giai đoạn 2012- 2013 có 656 công trình, năm 2013- 2014 có 6/59 công trình được chọn từ các khoa dự thi giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam; Trường ĐHSP TP.HCMgiai đoạn 2012- 2014 có 224 công trình…

Rõ ràng có thể thấy việc mạnh dạn chọn các đề tài nghiên cứu khoa học độc lập của sinh viên các trường ĐHSP đã thể hiện sự tự chủ động trong việc tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ trong học tập. Sinh viên đã vượt qua những ngần ngại, e dè, thụ động trong việc tiếp nhận kiến thức học và thể hiện khát vọng muốn khẳng định bản thân trên con đường học thuật.

Phát triển năng lực NCKH cho sinh viên SP – Cách nào?

Theo TS. Mai An có 3 giải pháp cơ bản để phát triển năng lực NCKH trong sinh viên. Trước hết cần nâng cao chất nhận thức, khơi gợi và khuyến khích niềm đam mê NCKH trong sinh viên. Bởi trong NCKH, niềm đam mê là động lực xuyên suốt giúp người nghiên cứu không bỏ cuộc. Khơi gợi được niềm đam mê với NCKH từ sinh viên là công việc không đơn giản. Bản thân người thầy phải tạo được một không gian học thuật mang tính chủ động, dân chủ cho sinh viên. Sinh viên cần được nuôi dưỡng ý thức học tập chủ động, tự giác và người thầy phải xem người học là trung tâm của phương pháp giảng dạy. Cùng đó các giờ học không nên quá bó buộc trong khung hệ lý thuyết mà cần mở rộng ra thực tế và mang tính thực tế, tạo sự hứng thú cho sinh viên. Người thầy với sự gợi mở các vấn đề khó, vấn đề còn bỏ ngỏ trên giảng đường sẽ kích thích trí tò mò, óc sáng tạo của sinh viên, tạo động lực cho sinh viên mong muốn khai thác, khám phá và làm chủ tri thức học thuật ấy. Đó chính là bước đi đầu tiên giúp khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Để phát triển năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng đồng đòi hỏi các nhà trường phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, huy đông, tăng cường những nguồn lực hỗ trợ sinh viên. Các trường cần ưu tiên cho cán bộ hướng dẫn và sinh viên được hưởng ưu đãi về sử dụng cơ sở vật chất hiện có của nhà trường một cách tốt nhất. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho công tác đào tạo và NCKH, hỗ trợ sinh viên triển khai các đề tài NCKH được sử dụng phòng thí nghiệm, tra cứu thông tin, tài liệu tham khảo…

Gắn kết hoạt động NCKH của sinh viên với nhu cầu thực tế từ các địa phương, các trường học, tổ chức và doanh nghiệp; hướng đến phục vụ lợi ích cộng đồng cũng là giải pháp tốt để nhà trường phát triển năng lực NCKH trong sinh viên. Với phương pháp này, nhà trường cần chủ động và tăng cường xây dựng, duy trì và phát triển mối liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục để gắn kết các hoạt động NCKH của giảng viên cũng như của sinh viên với nhu cầu thực tiễn. Tranh thủ tốt hơn sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành hữu quan và sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đối với các sản phẩm, các đề tài nghiên cứu khoa học mà sinh viên thực hiện.

Để tạo sự thiết thực, gắn kết giữa đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong môi trường ĐH với nghề nghiệp giáo viên sau này, các đề tài của sinh viên nên tránh sự sáo mòn, lý thuyết mà cần hướng đến sự trải nghiệm cùng cộng đồng, phục vụ cho cộng đồng. Như vậy, tính gắn kết giữa việc học và thực tế ở môi trường ĐH, việc nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức khoa học và lòng yêu nghề cho nghề nghiệp tương lại của sinh viên sư phạm sẽ có giá trị hơn, quan trọng hơn trong nhận thức của sinh viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ