Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả báo giaoducvathoidai.vn, với chủ đề “Yêu thông thái”, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà - Chuyên gia tư vấn tâm lý học đường - trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) giải đáp nhiều băn khoăn của học trò về những rung động đầu đời, tình bạn, tình yêu và cách để nói lời từ chối đúng lúc để luôn giữ được mối qua hệ tình cảm tốt đẹp nhất.
Tình yêu học trò - Cách nào để không đi quá giới hạn?
Với băn khoăn, làm thế nào để có một tình yêu học trò trong sáng, dễ thương nhưng vẫn hoàn thành chương trình học tập tốt, giúp phụ huynh tin tưởng vào tình yêu của đôi lứa học trò? Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ: Khi vào tuổi dậy thì cùng với sự phát triển của cơ thể là sự phát triển của cảm xúc và đúng là sự phát triển tự nhiên của con người, nhưng nó cũng có những giai đoạn khác nhau.
Ví dụ: Tầm tuổi 13-15, thì đó là vấn đề phát triển cảm xúc, mình bị thu hút và bắt mắt một ai đó, nhưng mối quan hệ đó hoàn toàn không sâu sắc, giống nhưng là hôm nay thích bạn này vì bạn ấy hay hay, mai thích bạn khác vì bạn đó lịch sự ... và đó là lý do để chúng ta nuôi dưỡng những cảm xúc, tuy nhiên không nuôi dưỡng một mối quan hệ nào được gọi là sâu sắc.
Và vì vậy mới gọi là tình yêu học trò trong sáng dễ thương. Đừng cố biến các bạn ấy thành bạn trai (bạn giái) của mình hay vượt quá giới hạn. Hãy chỉ đơn giản là quá trình chia sẻ, khám phá cảm xúc mà thôi.
Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, học trò cuối bậc THCS cũng đã có những rung động tuổi đầu đời. Tuy nhiên, bên cạnh sự rung động và phát triển tình cảm này các em còn có mục tiêu về học tập và mục tiêu phát triển bản thân.
Các em cần phải học cách để quản lý sự rung động đừng để nó ảnh hưởng đến mục tiêu khác:
1. Hãy luôn nghĩ tới mục tiêu lớn nhất là phát triển năng lực bản thân để đóng góp cho cuộc sống sau này.
2. Sự rung động hay hướng tới một tình yêu cho chúng ta một cảm xúc để chúng ta vui vẻ và hoạt động.
3. Tuy nhiên nếu sự rụng động làm ảnh hưởng đến học tập và con đường đi thì chúng ta phải quản lý cảm xúc đó: Không mơ mộng quá nhiều đến chuyện tình cảm, nếu học bài mà cứ nghĩ tới chuyện tình cảm thì hãy nghĩ tới mục tiêu chính của mình là phát triển bản thân.
4. Chú ý tới việc khi có những rung động quá mạnh thì chỉ cần chú tâm tới giới hạn đã nói ở trên là chúng ta có thể quản lý được.
Để người lớn yên tâm với tình yêu học trò
Ai cũng từng từng trải qua những mộng mơ, rung cảm của tuổi mới lớn. Tuy nhiên, khi trở thành cah mẹ thì những cảm xúc đó của con cái bỗng trở thành mối “quan ngại” của bất cứ phụ huynh nào.
Trả lời cho băn hoăn của một học sinh gửi về từ địa chỉ hòm thư “tvhung…@gmail.com” về chuyện học hành có phần chểnh mảng từ khi “thích” một bạn khác giới và bị gia đình cấm cản, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà đưa ra lời khuyên: Khi em có sự rung động với một bạn nào đó thì việc học tập của em thường sẽ chểnh mảng hơn, đó là lý do bố mẹ em phản đối. Em nên thông cảm cho bố mẹ.
Tuy nhiên sự rung động này làm cho em vui vẻ, em có thể giữ cảm xúc đó nhưng nếu nó ảnh hưởng đến học tập thì em phải quay ngay lại mục tiêu học tập của em và nên giữ làm sao cho em vừa có khả năng học tốt lại vừa gữ được sự yêu mến với bạn khác. Vì vậy cần có những nguyên tắc trong việc làm thế nào để mình không bị sao nhãng trong học tập.
Nếu kết quả học tập của em được giữ vững hoặc cải thiện và em có thể nói chuyện được với bố mẹ thì cô nghĩ việc này hoàn toàn được giải quyết. Đừng quá căng thẳng vì căng thẳng sẽ làm cho em chán nản và mệt mỏi nên không thể giải quyết được những vấn đề trên. Hãy vui vẻ trở lại và lạc quan rằng mọi việc đều có thể giải quyết được.
Bên cạnh sự quan tâm của các bậc phụ huynh về đời sống tâm lý, tình cảm của “tuổi nắng mưa”, các thầy cô cũng có mối bận tâm không kém vì đây là vấn đề ảnh huwngr không nhỏ đến chuyện học tập của các em.
Trả lời câu hỏi làm thế nào khi cô giáo can thiệp vào chuyện tình yêu học trò, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng: Khi cô giáo can thiệp vào câu chuyện tình yêu, điều đó có nghĩa là cô giáo có sự quan tâm chia sẻ về bản thân em và đang lo lắng liệu câu chuyện tình cảm của em có ảnh hưởng đến việc học tập hoặc những vấn đề cuộc sống quanh em không.
Tuy nhiên, ở tuổi của em thì câu chuyện tình yêu được cho là riêng tư, "bí mật" và em không muốn cho ai biết đến chuyện đó ngay cả cô giáo của mình. Nhưng khi cô đã biết về chuyện đó có nghĩa là câu chuyện của em đã rất nhiều người biết và em đã công khai chuyện này. Vì vậy, trong tình huống này, em có thể cảm ơn cô và em có thể cảm nhận những gì em có thể chia sẻ được thì em nói với cô giáo còn những gì là riêng tư em có thể xây dựng giới hạn giữ riêng cho bản thân mình và luôn nhớ cùng nhau phấn đấu trong mục tiêu học tập để làm cha mẹ và thầy cô an tâm.
Với tư cách một chuyên gia tư vấn tâm lý học đường - người từng được nghe biết bao tâm sự của học trò, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà nhận định: “Những chia sẻ của cô giáo trong trường hợp này là một điều gì đó rất cụ thể, cũng có thể là những trải nghiệm em có thể học hỏi được. Nếu em không muốn cô can thiệp, em không nhất thiết phải nói ra hay chia sẻ nhiều vì đó là quyền riêng tư. Tuy nhiên em nên nói lời cảm ơn chân thành đến cô giáo vì điều này thể hiện sự quan tâm, lo lắng như những người làm cha mẹ lo cho con cái mình”.