Không chỉ những cô cậu học trò những lớp cuối cấp bị “say nắng” mà những học sinh các khối dưới cũng không ít “cặp đôi” phát sinh tình cảm với bạn khác giới.
“Làm thế nào để bạn để ý đến con?”
Đó là câu hỏi của một cô học trò đang học lớp 7 hỏi cô giáo chủ nhiệm của mình trong giờ sinh hoạt. Những câu hỏi tương tự trong giờ học kĩ năng sống cũng được học sinh liên tiếp đưa ra.
Cô giáo chỉ còn biết trả lời: Bạn ấy có thể sẽ để ý đến con sau nhiều năm nữa, nếu khi ấy con là một người con gái trưởng thành, duyên dáng và trí tuệ. Giờ thì tập trung vào học đi con yêu. Tương lai, con sẽ có điều đó.
Tình yêu học trò ngày càng trẻ hóa
“Con ghét con bé P vì nó cũng thích bạn VA”
Một cô bé cũng mới ở cấp THCS đã trả lời với cô tổng phụ trách đội khi cô bắt em viết bản kiểm điểm vì tội đánh nhau trong trường học. Lí do thật “ bá đạo”.
“Mình thật hạnh phúc vì luôn có gấu bên cạnh”
Nick name có ảnh đại diện là một cậu bé vai vẫn đeo khăn quàng chia sẻ. Chắc cha mẹ đều biết “gấu” là bạn gái, là người yêu....
Đó là một phần nghìn cách thể hiện tình cảm của những cô cậu tuổi mới lớn.
Những hệ lụy đáng tiếc
Tuổi học trò còn non nớt, chưa có nhận thức chín chắn, đầy đủ về tình yêu; chưa được trang bị kỹ năng sống cơ bản nên dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc:
Thứ nhất: Vì mải yêu đương, nhung nhớ nên chắc chắn các con sẽ sao nhãng, chểnh mảng việc học . Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai các con.
Thứ hai: Nạn bạo lực học đường ngày càng tăng. Nhiều vụ ẩu đả không chỉ giữa học sinh nam với nam mà còn giữa các học sinh nữ với nhau có nguyên nhân sâu sa từ chuyện tình cảm, ghen tuông.
Thứ ba: Nếm trái cấm và những hậu quả khôn lường. Bởi các con nghĩ yêu là dâng hiến nên nhiều mối tình đã dẫn đến kết cục tháng đáng buồn.
Đã có những học sinh cấp 2, 3 phải bỏ học giữa chừng để làm đám cưới vì “hậu quả” không thể xử lý được. Nếu xử lý thì sức khỏe các con sẽ bị giảm sút; với các học sinh nữ dẫn dễ đến viêm nhiễm, ảnh hưởng tới khả năng làm mẹ trong tương lai.
Thứ tư: Nhiều đôi học sinh, khi bị nhà trường và gia đình phát hiện đã tìm đến cái chết để trốn tránh nỗi xấu hổ với cha mẹ, thầy cô, bè bạn.
Ai giúp được các con?
Không ai khác chính là cha mẹ. Khi thấy con có những biểu hiện khác thường như hay nhắn tin, gọi điện; thẫn thờ; học tập giảm sút...cần tìm hiểu và giúp con thoát ra khỏi tình cảm đó. Thầy cô giáo cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục giới tình và tìm hiểu tâm lý học sinh.
Phải vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ để các em bộc bạch, vừa là những người bạn để hiểu được cảm xúc của trò từ đó có định hướng tích cực cho các em; Nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản tuổi mới lớn...
Tất cả phải trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng để giúp các con vượt qua sự biến đổi tâm sinh lý với quá nhiều xáo trộn, để các con sống đẹp, ý nghĩa, trong sáng đúng chất tuổi học trò.