Bẫy tiền lẫn bẫy tình
Đang tán gẫu với bạn bè trên Facebook thì Nguyễn Hoàng Minh (Trường ĐH Lao động - Xã hội) nhận được tin nhắn từ một “bạn” từ nước ngoài, tên là Meyriz Mohammad Akbar.
Cô bạn này đề nghị Minh liên hệ qua e-mail blessingkevin@outlook.com. Minh hỏi thêm nhưng không nhận được câu trả lời. Tò mò nên Minh thử làm theo.
Theo lời chia sẻ, cô bạn tự giới thiệu mình 24 tuổi, là một cô gái xinh đẹp, hiện tại đang trú ẩn ở một trại tị nạn tại Dakar (Senegal), sau khi gia đình cô ấy bị tiêu diệt bởi quân phiến loạn.
Cô nói, cha ruột cô đã mất và trước khi ra đi, ông có để lại một số tiền rất lớn trong ngân hàng. Cô bạn đang giữ số tài khoản, giấy chứng tử của cha và muốn chuyển khoản cho Minh, rồi nhờ cậu chuyển lại cho cô bạn một ít để giải quyết mọi thủ tục cũng như mua vé máy bay đến gặp Minh.
Cô ta không quên giải thích rằng, qua trao đổi, đã cảm thấy Minh là người đáng tin cậy và chân thành. Cuối bức thư, cô còn nhắn nhủ Minh phải giữ bí mật vì cô sợ những người trong trại tị nạn sẽ biết. Cô cũng nhấn mạnh, Minh chính là nguồn hy vọng duy nhất của mình (!)…
Thảo Nguyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng từng gặp trường hợp tương tự. Người đàn ông gặp trên Facebook, Djames Micheal, muốn làm quen với Nguyên nhưng lại muốn Nguyên liên hệ qua e-mail, với lý do, ông ta không thể online Facebook thường xuyên.
Nhận thấy người đàn ông có bạn chung trên Facebook là một thầy giáo của mình, hơn nữa, cũng muốn rèn luyện tiếng Anh, cô bạn đã đồng ý trao đổi e-mail.
Nguyên kể: “Ông ấy bảo ông ấy 54 tuổi, vợ và con ông ấy mất trong một tai nạn giao thông. Ông ấy giàu có nhưng giờ người thân đã mất, ông ấy rất cô đơn và cần người bạn tâm sự. Ông ấy bảo, đã cảm mến mình khi nhìn trên ảnh”.
Đúng khi mối dây cảm xúc sắp bén rễ thì Nguyên tình cờ đọc được bài cảnh báo trên diễn đàn dành cho giới trẻ quốc tế về việc có một số người sử dụng Facebook để làm quen, rồi thực hiện hành vi lừa đảo.
Lật lại tin nhắn trên Facebook của “người bạn 54 tuổi” thì tài khoản đó đã bị khóa, với dòng thông báo từ Facebook, rằng tài khoản của người đàn ông này cần được xác minh.
“Bình cũ, rượu mới”
Cũng nhận được một lời yêu cầu xin địa chỉ để chuyển quà tặng của một cô gái lạ trên Facebook, Nhân (năm thứ ba, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) thử gửi yêu cầu kết bạn đến người này nhưng không được đồng ý.
Anh bạn quyết định tự mình tìm hiểu. Nhân kể: “Mình lên Google và gõ thử e-mail, số điện thoại cô ấy để lại và tìm thấy thông tin cảnh báo lừa đảo”. Hoàng Minh cũng làm thao tác tương tự với cô bạn “ở trại tị nạn”.
Minh cho biết: “Chỉ một cú click chuột là mình thấy tên cô ấy và nội dung bức thư được đăng cảnh báo trên trang web lừa đảo của nước ngoài.
Khi đọc lại nội dung bức thư cô ấy gửi cho mình và so sánh với bức thư trên trang web, mọi thứ giống nhau đến cả từng dấu chấm, dấu phẩy”.
Nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng môi trường công nghệ thường dùng chiêu tặng quà để đạt mục tiêu. Chúng thường rất lịch thiệp khi ngỏ ý làm quen với các bạn trẻ trên các trang mạng xã hội, không ngần ngại khoe mẽ về sự giàu có, bảnh bao.
Sau thời gian trao đổi qua e-mail và điện thoại, nhằm tạo mối liên hệ tình cảm, kẻ lừa đảo bắt đầu ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn cho “con mồi”, thông qua một công ty giao nhận nước ngoài, với yêu cầu người nhận phải bỏ tiền đóng các loại thuế vận chuyển.
Không ít người nhẹ dạ cả tin đã chuyển số tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo và bị mất trắng, số tiền ít nhất cũng khoảng 1 triệu đồng.
Những chiêu trò lừa đảo qua mạng thường đánh vào sự nhẹ dạ và lòng tham của các bạn trẻ. Hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn.
Những bức thư không chỉ dùng lời lẽ ngon ngọt mà thường kèm thư những câu chuyện “bi thương” về cuộc đời để lợi dụng lòng trắc ẩn của “con mồi”.
Không những thế, ngay từ bức thư đầu tiên, chúng còn gửi ảnh và cả số điện thoại cá nhân để tạo niềm tin. Chỉ cần thiếu tỉnh táo, say sưa thiết lập mối quan hệ với “bạn bè quốc tế” kiểu này, bạn trẻ chúng ta coi như đã đặt một chân vào bẫy!