Cơ duyên đến Hà Nội
Nancy Zhou có bằng Cử nhân Truyền thông (Truyền thông Công cộng) và Cử nhân ngành Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Công nghệ Sydney năm 2011. Cô sinh ra tại Trung Quốc, lớn lên ở Úc và hiện đang sống ở New Zealand được hai năm vừa qua.
Nancy bắt đầu nhiệm kỳ 10 tháng với vị trí Cán bộ truyền thông và Website tại Bảo tàng Phụ nữ từ tháng 6/2018. Nancy hỗ trợ Bảo tàng Phụ nữ xây dựng hình ảnh và danh tiếng của mình ở cấp quốc gia và quốc tế cũng như hỗ trợ bảo tàng tăng cường các hoạt động thông qua các hoạt động tiếp thị. Cô dự kiến sẽ hỗ trợ Bảo tàng Phụ nữ xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng.
Cơ duyên đến Việt Nam của Nancy xuất phát từ đam mê cống hiến cho xã hội. Trước đây, Nancy đã có 6 tháng làm tình nguyện viên truyền thông ở Đông Timor. Với Nancy, việc đóng góp cho cộng đồng có ý nghĩa rất lớn, bởi với những nỗ lực nhỏ bé của cô có thể tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng. Sau khi trở về nước, Nancy đã luôn quan tâm tìm hiểu cơ hội tình nguyện ở các quốc gia khác.
Khi thấy thông báo tuyển tình nguyện viên ở Việt Nam, cô đã rất hào hứng. Cô kể lại: “Tôi được biết Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn về con người, lịch sử, văn hóa. Tôi rất thích Việt Nam và đã từng đến TP Hồ Chí Minh. Lần này đến Việt Nam, tôi muốn trải nghiệm xem cuộc sống ở Hà Nội như thế nào. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một bảo tàng rất có uy tín với những cuộc triển lãm rất thú vị và ý nghĩa. Là người thích trải nghiệm và học hỏi điều mới, tôi quyết định chọn Việt Nam là địa chỉ để hoạt động tình nguyện”.
Nancy Zhou bên hình ảnh của cô trên banner giới thiệu Chương trình tình nguyện viên Úc tại Việt Nam |
Nghĩ khác
Công việc tại Bảo tàng Phụ nữ là nhiệm vụ đầu tiên mà Nancy thực hiện trong Chương trình Tình nguyện viên Úc. Trong 5 tháng vừa qua, Nancy hỗ trợ tổ chức triển lãm “Nghĩ khác” do Bảo tàng Phụ nữ, Đại sứ quán Ausralia tại Việt Nam và nghệ sỹ Australia Bianca Offrichter, một sinh viên của Chương trình Colombo Mới đồng tổ chức.
Triển lãm hướng tới sự phát triển bền vững và mang đến cho người xem một cái nhìn mới mẻ về, tích cực hơn về việc tái sử dụng chất thải nhựa để tạo thêm vẻ đẹp cho cuộc sống. Song song với triển lãm, một hội thảo tuyên truyền với sinh viên về việc không sử dụng túi nilon, túi nhựa mà thay vào đó sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường cũng được tổ chức.
Phản hồi và đón nhận của công chúng với triển lãm này rất tốt. Sau khi tham dự triển lãm và hội thảo, công chúng rất thích việc tái sử dụng nilon thành những vật phẩm hữu ích khác trong cuộc sống.
Nghệ sĩ Bianca Offrichter cũng giới thiệu cho các em học sinh, sinh viên một số kỹ thuật mới như làm tranh treo tường hoặc làm đồ trang sức đeo cổ từ nilon đã qua sử dụng. Đây là những kỹ thuật các em học sinh chưa thấy bao giờ và rất hào hứng áp dụng.
Một góc Triển lãm Phá vỡ sự im lặng |
Phá vỡ sự im lặng
Gần đây Nancy cũng đề xuất một chiến dịch trên mạng xã hội mang tên “Phá vỡ sự im lặng” cho một triển lãm về bạo lực gia đình của Bảo tàng Phụ nữ. Cuộc vận động nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực giới và khuyến khích mọi người tham gia vào diễn đàn trao đổi này.
Nancy cho biết: “Mục đích của chúng tôi là muốn tạo ra một nền tảng để các nạn nhân có thể chia sẻ, trải lòng về những câu chuyện của họ. Chúng tôi dành 1 ngày đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm, gặp những con người ở đó, vận động mọi người giúp chúng tôi cầm biển giới thiệu, quảng bá trang mạng xã hội đó, giúp nhiều người hiểu hơn về bạo lực gia đình và nạn nhân có lòng dũng cảm chia sẻ câu chuyện của mình. Chúng tôi nhận thấy rằng khi nâng cao được nhận thức của cộng đồng thì rất tốt cho việc ngăn chặn bạo lực gia đình.”
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Nancy chính là nội dung của cuộc triển lãm. Trước đó có những cuộc phỏng vấn với nạn nhân của bạo lực gia đình. Sau khi thu thập được nội dung này, các câu chuyện được dịch lại bằng tiếng Anh và Nancy đã bỏ thời gian để đọc, tìm hiểu.
Điều khiến cô không thể nào quên là cách những người phụ nữ kể lại việc họ đã bị lạm dụng như thế nào về thể chất, tinh thần, cảm xúc từ chính những người chồng của mình. Sau đó họ đã phải giữ lại những cảm xúc và nỗi đau đấy, tiếp tục chung sống với chồng, duy trì gia đình trong khi giữ lại nỗi đau của mình không biết chia sẻ với ai.
Không phải là chuyên gia về bạo lực gia đình, tuy nhiên, từ những kiến thức thu được qua các hoạt động liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình, Nancy nhận thấy đây là vấn nạn xảy ra trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, một trong những đặc điểm về bạo lực gia đình có liên quan đến truyền thống và suy nghĩ của người Việt. Đôi khi nó lại đến từ chính những người phụ nữ. Một số phụ nữ nghĩ rằng người chồng có quyền đánh mình nếu mình không chuẩn bị đồ ăn, hoặc do mình làm sai gì đó, đôi khi chỉ do người chồng thấy bực mình. “Đây là thực trạng khiến tôi rất sốc. Tôi hy vọng khi nhận thức của cộng đồng được nâng cao, các nạn nhân cảm thấy họ sẽ được an toàn khi chia sẻ, lúc đó vấn đề sẽ được giải quyết.
“Trong quá trình làm việc ở đây, tôi đã gặp và kết bạn với những con người tuyệt vời. Tôi cũng được di chuyển nhiều trong quá trình làm việc và được thấy nhiều phong cảnh đẹp ở Việt Nam. Là một nhiếp ảnh gia, trong quá trình di chuyển, tôi đã chụp rất nhiều bức ảnh đẹp về phong cảnh, về con người dải đất chữ S. Những trải nghiệm của tôi ở Việt Nam đều rất đáng nhớ. Đây chắc chắn là những lý do để tôi quay trở lại Việt Nam.” – Tình nguyện viên Nancy Zhou.