USAID hỗ trợ phụ nữ thực hiện quyền đất đai thông qua nâng cao nhận thức

GD&TĐ - Hôm nay (11/12), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) tổ chức sự kiện đánh dấu việc hoàn thành Dự án Tăng cường Tiếp cận Đất đai cho Phụ nữ do USAID tài trợ. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Đến cuối tháng 9/2018, các tình nguyện viên cộng đồng đã tư vấn cho gần 12.000 khách hàng về các vấn đề liên quan đến quyền đất đai, từ đó giúp giải quyết hơn 3.300 trường hợp có liên quan đến đất đai, trong đó khoảng 95% số vụ việc được giải quyết theo hướng có lợi cho những người được các tình nguyện viên tư vấn.

Dự án này do Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ Quốc tế và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018.

Phó Giám đốc USAID Việt Nam Craig Hart và Giám đốc ISDS, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đã có bài phát biểu khai mạc. Tham dự sự kiện có đại diện Ủy ban Nhân dân các huyện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, các Trung tâm Trợ giúp Pháp lý cấp tỉnh và đại diện các tổ chức quần chúng.

Việt Nam đã có khung pháp lý về quyền đất đai của phụ nữ, tuy nhiên việc thực thi lại gặp nhiều khó khăn do nhận thức hạn chế ở cả nam giới và nữ giới liên quan đến pháp luật về quyền tài sản và thiếu nguồn lực để thực thi quyền tài sản của phụ nữ ở cấp địa phương. Do vậy, vẫn còn tồn tại bất cập trong tiếp cận quyền đất đai đối với phụ nữ.

Để khắc phục tình trạng này, Dự án Tăng cường Tiếp cận Đất đai cho Phụ nữ của USAID đã kết hợp hoạt động tư vấn pháp lý, nâng cao nhận thức về quyền ở cấp xã với nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm tăng quyền cho người nông dân, đặc biệt là phụ nữ, thực hiện quyền đất đai của họ.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng phát biểu tại Hội thảo
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng phát biểu tại Hội thảo

Dự án đã phối hợp với nhiều tổ chức quần chúng và 106 tình nguyện viên cộng đồng tuyên truyền về bình đẳng giới ở 8 xã (Dương Quang, Long Sơn, Nhân Hòa, Tân An, Hậu Thạnh Đông, Nhật Quang, Nhơn Ninh, và Phan Sào Nam) thuộc 2 tỉnh Hưng Yên và Long An.

Nhờ những nỗ lực này, nhiều phụ nữ đã được thừa kế đất đai và được ghi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cả nam giới và nữ giới tham gia dự án đều đã thay đổi thái độ về quyền tiếp cận bình đẳng của phụ nữ đối với các cơ hội và nguồn lực xã hội, kinh tế, chính trị.

Trong 4 năm triển khai dự án, các tình nguyện viên cộng đồng đã thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về quyền đất đai, cũng như tư vấn pháp lý cho các cá nhân, hòa giải những mâu thuẫn liên quan đến đất đai và giúp chuyển các trường hợp còn vướng mắc tới các cơ quan liên quan.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.