Tin vào thành công

GD&TĐ - Hơn 1 năm sống chung với Covid-19, giáo dục gần như đã chuyển từ trạng thái bị động sang làm chủ tình thế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đẩy toàn nhân loại vào tình huống khó khăn, thách thức chưa từng có. Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) phải phong tỏa hoàn toàn, rồi các nước lần lượt đóng cửa biên giới… Dịch bệnh khiến cả thế giới dừng bước trước bài toán “sinh mệnh” và “sinh kế”. Giáo dục tất nhiên cũng không thể nằm ngoài thử thách chưa từng có tiền lệ này.

Còn nhớ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020, chỉ riêng việc có nên cho học sinh tiếp tục đến trường hay không đã khiến báo chí, dư luận tiêu tốn vô số giấy mực. Nếu cho học sinh tạm dừng đến trường, làm sao để hoạt động giáo dục không bị “đứt gãy”, hoàn thành kế hoạch năm học… là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục. Trong hoàn cảnh ấy, mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa hoàn thành kế hoạch năm học được lãnh đạo ngành Giáo dục đưa ra với quyết tâm mạnh mẽ. Chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học” nhanh chóng đến với mọi cán bộ, giáo viên, HSSV. Hoạt động dạy học qua Internet, trên truyền hình ổn định dần từ khởi đầu bỡ ngỡ. Có những giáo viên gần như cả đời dạy học xa lạ với máy tính, Internet, nhưng trong hoàn cảnh này đã vượt qua chính mình để hoàn thành nhiệm vụ dạy học trực tuyến…

Năm 2021, dù dịch bệnh quay trở lại với mức độ nguy hiểm cao hơn, sức ảnh hưởng khủng khiếp hơn, nhưng ngành Giáo dục không phải đối mặt với tình trạng dò đường, tìm lối. Vốn liếng năm 2020 để lại là kinh nghiệm, hàng loạt các văn bản, hướng dẫn để địa phương, nhà trường chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học và triển khai ngay dạy học trực tuyến… Điều này thể hiện rất rõ trong chỉ đạo, điều hành chủ động của ngành Giáo dục thời gian qua. 

Năm 2021, trước dịch Covid-19, ngành Giáo dục các địa phương đã chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh tạm dừng đến trường. Tại những địa phương đã cho học sinh đi học trở lại, đồng thời với việc triển khai các biện phòng chống dịch, nhà trường được chủ động bố trí kế hoạch dạy học để bảo đảm nội dung, chương trình theo biên chế thời gian năm học 2020 - 2021; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học. 

Với địa phương học sinh tạm dừng đến trường, hoạt động dạy học qua Internet, trên truyền hình được triển khai nhanh chóng, chủ động, để dù tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Đơn cử tại Vĩnh Phúc, dạy học trực tuyến được triển khai từ ngày 22/2. Sở GD&ĐT Đồng Tháp dự kiến 2 phương án: Thời gian tạm nghỉ không quá 2 tuần và thời gian tạm nghỉ kéo dài đến 1 tháng; đồng thời có hướng dẫn cụ thể với từng trường hợp. Thái Bình yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục trở lại trường để thực hiện công tác chuyên môn, tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác phù hợp với từng nhóm học sinh, môn học và điều kiện của nhà trường từ 17/2… Tâm dịch Hải Dương cũng đã phủ việc dạy học trực tuyến đến tất cả nhà trường… Dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà thực sự là một phần không thể thiếu của hoạt động giáo dục.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT chiều 19/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch để kịp thời có kịch bản phòng, chống”. Với quyết tâm mạnh mẽ của từ người đứng đầu ngành tới toàn bộ đội ngũ nhà giáo, HSSV; với kinh nghiệm và niềm tin từ năm 2020; sự chuẩn bị tốt hơn về điều kiện và tâm thế, chúng ta có niềm tin vào thành công tiếp tục của mục tiêu kép mà ngành Giáo dục đưa ra trong năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.