Phát huy sáng tạo, linh hoạt của giáo dục địa phương
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ban hành thời điểm này là kịp thời, cần thiết, bảo đảm hoạt động học tập của HS không bị gián đoạn, không phải tập trung đông người, phát triển được năng lực tự học. Đây cũng là dịp để ngành Giáo dục, GV tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, tăng liên kết giữa gia đình, nhà trường. Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cơ bản tạo thuận lợi để địa phương triển khai thực hiện, khi các phần mềm dạy học trực tuyến tương đối phổ biến, kỹ năng sử dụng CNTT của GV khá tốt so với những năm trước đây....
Đây cũng là hướng mở để phát huy sáng tạo, sự vận dụng, thích ứng linh hoạt của ngành Giáo dục địa phương, CSGD, mỗi GV trong bối cảnh khó khăn, phức tạp do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, với địa phương, CSGD còn khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, hạ tầng kỹ thuật kết nối Internet, truyền hình thấp, việc tổ chức dạy học theo hình thức mới còn nhiều bất cập, lúng túng chưa thể đồng loạt, đồng đều, kịp thời, bảo đảm hiệu quả như đối với vùng đồng bằng, khu vực trung tâm.
“Trước khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy đã hướng dẫn các CSGD rà soát, tinh giản nội dung dạy học, điều chỉnh kế hoạch dạy học, tăng cường tổ chức hướng dẫn HS ôn tập, tự học ở nhà qua Internet phù hợp với điều kiện thực tế. Tuyên truyền tới HS, phụ huynh kế hoạch dạy học, ôn tập thi vào lớp 10 THPT, ôn thi THPT quốc gia trên Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ do Sở GD&ĐT tổ chức; Giới thiệu chương trình dạy học trên VTV7 và một số kênh truyền hình khác để HS biết, theo dõi học tập. Phòng GD&ĐT sẽ sớm hoàn thiện Kế hoạch trình UBND huyện phê duyệt sau khi có Kế hoạch tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình do UBND tỉnh ban hành” – ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Cùng nhận định, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng: Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời điểm này là căn cứ để địa phương triển khai thống nhất. Tại An Giang, dạy học qua Internet, trên truyền hình được Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường triển khai ngay từ những ngày đầu cho HS tạm nghỉ học, tuy nhiên tập trung chủ yếu vào ôn tập, hệ thống kiến thức trong chương trình học kỳ I.
Ngay sau Hội nghị trực tuyến của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT An Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến để triển khai nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về dạy học trực tuyến. Theo đó, Sở chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch tăng cường dạy học qua Internet. Mặc dù có khó khăn, song phải triển khai thực hiện, vừa làm vừa tìm cách tháo gỡ.
Dạy học qua Internet do nhà trường chủ trì, hướng dẫn GV, phê duyệt nội dung, chương trình trước khi triển khai. Tùy điều kiện thực tế mà chọn phương án dạy học phù hợp, lịch học bảo đảm vừa sức với HS, GV. Nhà trường hướng dẫn GV chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nội dung bài học, phân công GV chủ nhiệm hoặc bằng các phương tiện khác thông tin đến HS trước khi giảng dạy, phối hợp với gia đình theo dõi HS học tập.
Nâng cao trách nhiệm, vượt qua khó khăn chung
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ sớm có quy định về giảm tải một số nội dung trong học kỳ II của lớp 12 và có đề tham khảo thi THPT quốc gia kịp thời. Để tăng cường chất lượng dạy học qua Internet, trên truyền hình, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng: Cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo; Đồng thời đòi hỏi vai trò người đứng đầu trong kiểm tra, theo dõi, kịp thời động viên tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả; phê bình những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm.
Tương tự, giải pháp ông Trần Tuấn Khanh đưa ra là các trường phải làm tốt tuyên truyền, động viên GV tăng cường hơn nữa trách nhiệm trước tình hình khó khăn chung. GV tự học tập, bồi dưỡng nâng cao tay nghề về ứng dụng CNTT. Nhà trường huy động GV môn Tin học để tham gia hỗ trợ GV các môn học khác về kỹ thuật. GV phải chung sức chung lòng, phối hợp cùng với nhà trường quyết tâm thực hiện mới mong đạt được mục tiêu.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tích cực tìm các giải pháp khác để hỗ trợ, giúp đỡ HS khó khăn về điều kiện học tập với CNTT; Chỉ đạo GV giao nhiệm vụ học tập cụ thể cho HS sau mỗi nội dung đã được học. Theo đó, quy định thời gian để HS trả kết quả học tập cho GV. GV chấm bài, công nhận kết quả kiểm tra thường xuyên theo quy định. Khi được ràng buộc bởi việc giao nhiệm vụ học tập cụ thể, các em sẽ ý thức hơn trong việc học.
Nhấn mạnh học trực tuyến không dễ thực hiện với tất cả đối tượng HS, nhất là vùng sâu, vùng xa vì gia đình không có đủ trang thiết bị giúp các em học tập, ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội thông tin: “Để dạy học trực tuyến tốt hơn, Trường THPT Phúc Lợi đã lập một trang riêng đề nghị cha mẹ HS, HS góp ý liên tục với nhà trường, từ đó rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả phương thức dạy học này”.
Trong khi đó, một trong những giải pháp được ông Nguyễn Tuấn Anh đưa ra là tham mưu, đề xuất kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương về kế hoạch, giải pháp, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện dạy học qua Internet, trên truyền hình. Phối hợp với cơ quan viễn thông, đơn vị cung cấp phần mềm dạy học trực tuyến tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ năng sử dụng các phần mềm dạy học cho GV để triển khai thực hiện, nhất là đối với các xã còn nhiều khó khăn. Cần lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp, hiệu quả; Tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chính xác.
Học trực tuyến không dễ thực hiện với tất cả đối tượng HS, nhất là vùng sâu, vùng xa vì gia đình không có đủ trang thiết bị giúp các em học tập. Do vậy, đòi hỏi HS phải tự giác, có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, vào cuộc quyết liệt của cha mẹ HS. - Ông Nguyễn Quý Xuân