Nhiều trăn trở
Hải Phòng là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Vì thế việc dạy học trực tuyến với GV các nhà trường cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện từng khu vực mà tỉ lệ HS tham gia học cao hay thấp.
Đảm bảo việc nối mạch kiến thức, để học trò "tạm dừng đến trường không dừng học", các trường học tại Hải Phòng đã khởi động dạy học trực tuyến cho HS từ ngày 17/2. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày đầu tỷ lệ HS tham gia học trực tuyến chưa cao.
Có nhiều nguyên nhân khách quan như: HS vùng ngoại thành khó khăn, phụ huynh không có điều kiện trang bị phương tiện học tập cho con; phụ huynh đi làm giờ hành chính không hỗ trợ con kết nối mạng để học hoặc không yên tâm giao điện thoại, máy tính cho con học một mình tại nhà.
Ngoài ra, việc dạy học trực tuyến có nhiều hạn chế trong việc rèn ý thức, tương tác cô trò và việc truyền tải kiến thức, điều đó dẫn đến hiện tượng "xôi đỗ" và nỗi lo của các nhà trường khi dặm lại kiến thức cho học trò.
Trường THCS Lê Chân (quận Lê Chân) có hơn 1.200 HS. Theo kế hoạch của nhà trường, đến ngày 22/1, nhà trường bắt đầu dạy học trực tuyến bài mới cho HS ở tuần thứ 21. Theo đó, mỗi tuần học 6 buổi, mỗi buổi 3 tiết, thời gian thực dạy mỗi tiết là 35 phút. Khối 7, khối 9 sẽ học sáng còn khối 6 và khối 8 học chiều.
Trừ các môn: Âm nhạc, Thể dục, tự chọn không học trực tuyến, HS học các môn còn lại. Với những môn không học trực tuyến, sau khi HS đi học trở lại căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, nhà trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy.
Theo thầy giáo Phạm Đắc Nghị- Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc giảng dạy trực tuyến khá thuận lợi với GV nhà trường. Đợt nghỉ dịch trước nhà trường đã thực hiện khá tốt.
Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tỉ lệ HS tham gia chỉ đạt trên 90%. Nguyên nhân chính theo thầy Nghị là phụ thuộc vào đường truyền mạng, hơn nữa nhà trường đóng trên địa bàn dân cư còn nhiều khó khăn. Nhiều cha mẹ không có phương tiện cho con học tập, cũng có số ít phụ huynh không quan tâm đến việc học của con và giao phó trách nhiệm cho nhà trường.
Việc dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế để nối mạch kiến thức cho HS nhưng chất lượng giảng dạy khó kiểm soát. Nên việc dặm lại kiến thức cho các em là rất vất vả, lãnh đạo Trường THCS Lê Chân chia sẻ.
Thầy Nghị trăn trở, nhiều năm gần đây Trường THCS Lê Chân thu hút được HS đến học bởi chất lượng giáo dục ngày càng ổn định, phát triển, đặc biệt HS nhà trường có ý thức, kỷ luật cao. Nhưng nghỉ dịch kéo dài, nhiều phụ huynh không quan tâm khiến các con dễ tiếp xúc với những thói xấu. Cho dù hiện tượng đó chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng khi các con đi học trở lại việc rèn kỷ luật là một áp lực khá lớn.
Khắc phục khó khăn
Toàn ngành giáo dục Hải Phòng triển khai dạy học trực tuyến cho HS trên phần mềm Microsof Team và Office 365. Với HS THCS và THPT đã được làm quen với việc học trực tuyến trên phần mềm này từ đợt nghỉ dịch trước và đến nay việc tái khởi động khá thuận lợi.
Bậc tiểu học, lần đầu ứng dụng phần mềm Microsof Team và Office 365 vào giảng dạy còn nhiều bỡ ngỡ, nhất là đối với những giáo viên nhiều tuổi.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân) cho hay, ngay tối 16/2 khi Sở GD&ĐT cấp xong tài khoản cho GV và HS trên phần mềm, lãnh đạo nhà trường và nhiều cán bộ GV miệt mài làm đêm để tạo cây quản lý, tạo phòng học. Sáng 17/2, GV đến trường thông phòng học, tiến hành kết nối với phụ huynh và lên lớp ôn tập cho HS.
Một vài GV lớn tuổi chưa tiếp cận ngay được với ứng dụng mới nên được các đồng nghiệp hỗ trợ. Các cô lên lớp thử để cùng học hỏi và chia sẻ cách làm cho nhau, cô Viên chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng trăn trở, HS bậc tiểu học phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ trong việc sử dụng công nghệ và ý thức tham gia lớp học online. Vì thế việc học trực tuyến sẽ có nhiều khó khăn. Để phù hợp với lứa tuổi HS và đảm bảo chất lượng học tập, nhà trường cho GV chủ động môi trường giảng dạy và có thể dạy tối nếu kết nối được với phụ huynh.
"Từ ngày 17-20/2, GV tiến hành ôn tập kiến thức cho HS. Việc thông phòng học và kết nối tốt với HS, hy vọng từ ngày 22/2, HS học kiến thức mới sẽ thuận lợi", cô Viên chia sẻ.
Ngoài ra, với những HS không tham gia học trực tuyến, các nhà trường chủ động giao bài qua Zalo, Gmail, điện thoại trực tiếp hoặc in bài cho phụ huynh đến lấy cho HS về nhà làm bài và nộp lại cho GV kiểm tra.