Có thể kể đến Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội; Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Kỳ thi kiểm tra năng lực của Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM; Kỳ thi TestAs của Trường ĐH Việt Đức…
Nổi bật về số lượng thí sinh tham dự là Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức. Năm nay, chỉ riêng đợt 1 đã có gần 74 nghìn thí sinh đăng ký. Tại TPHCM, nhiều trường THPT, nhất là trường tốp đầu, số lượng thí sinh lớp 12 đăng ký dự thi đến 80 - 90%. Hiện có hơn 70 trường ĐH - CĐ trong và ngoài hệ thống ĐHQG TPHCM sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội tái khởi động sau mấy năm tạm dừng cũng dự kiến thu hút mỗi đợt khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh.
Các kỳ thi đánh giá năng lực có sức hút trước hết về mặt kỹ thuật, có thể mở nhiều đợt trong năm, khác thời điểm thi tốt nghiệp THPT, cho học sinh rộng thêm cơ hội. Chẳng hạn, ĐHQG Hà Nội dự kiến năm 2021 tổ chức khoảng 4 - 5 đợt thi; ĐHQG TPHCM tổ chức 2 đợt thi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng của kỳ thi. Với sự đổi mới trong đánh giá, tiệm cận với tiêu chuẩn thi và đánh giá quốc tế, các kỳ thi đánh giá năng lực đã giúp nhà trường và thí sinh yên tâm vào kết quả thi, phản ánh đúng năng lực thật sự.
Kỳ thi đánh giá năng lực đồng thời có ý nghĩa thúc đẩy đổi mới dạy học, hướng nghiệp trong trường phổ thông. Do đề thi đánh giá năng lực khá toàn diện nên để làm được bài thi, học sinh không chỉ học 3 môn Toán, Lý, Hóa mà phải học cả môn xã hội, Tiếng Anh, Giáo dục công dân. Học sinh theo đuổi kỳ thi không còn “học gạo, học tủ”. Đồng thời, các kỳ thi đánh giá năng lực từng bước làm thay đổi cách dạy của giáo viên cũng như quan niệm xã hội về các môn học. Thầy cô bộ môn đều có vai trò và tầm quan trọng như nhau, không còn khái niệm môn phụ, môn chính.
Đặc biệt, một số kỳ thi đánh giá năng lực còn giúp thí sinh nhìn nhận rõ hơn về bản thân để định hướng nghề nghiệp. Như kỳ thi năm 2021 của ĐHQG Hà Nội dự kiến không chỉ phục vụ công tác tuyển sinh, mà còn là cơ sở đánh giá năng lực của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tự chủ tuyển sinh là một trong những yếu tố cơ bản của tự chủ đại học, được luật định nhằm giúp cơ sở đào tạo chọn được sinh viên ưu tú, đáp ứng yêu cầu và triết lý đào tạo của mình. Phát triển các kỳ thi đánh giá năng lực là hướng đi phù hợp với xu thế tự chủ đại học và hội nhập quốc tế.
Vấn đề quan trọng, các đơn vị tổ chức phải không ngừng cải thiện để có đề thi đánh giá đúng, toàn diện năng lực thí sinh, tổ chức bài bản, không có sai sót. Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ hứa hẹn mở rộng sức hút hơn nữa nếu các cơ sở GD đại học luôn kiên định mục tiêu: Đáp ứng được nhu cầu tuyển chọn thí sinh, đạt được tiêu chí về khoa học khảo thí và nhẹ nhàng, tiết kiệm, thuận tiện cho cả thí sinh lẫn các trường.