Dự thảo được ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Nhiều thay đổi bước ngoặt
Dự thảo được Bộ GD&ĐT công bố công khai để lấy ý kiến góp ý, có 11 điều, khoản, điểm của Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung đã cơ bản khắc phục được những bất cập và bảo đảm hành lang pháp lí phục vụ công tác quản lí, tổ chức thi đánh giá năng lực được công khai, minh bạch, công bằng và thực chất. Trong số 11 thay đổi, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long nhận định, có 3 thay đổi quan trọng, mang tính bước ngoặt:
Bảo đảm công khai, minh bạch, trung thực, khách quan trong tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và các yêu cầu để nâng cao chất lượng chuyên môn của kỳ thi. Cụ thể: Thay vì chỉ yêu cầu đơn vị tổ chức thi cần “có trang thông tin điện tử để phục vụ tổ chức thi”, dự thảo quy định đơn vị tổ chức thi phải “có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin: Định dạng đề thi; đề thi minh họa; hình thức thi; danh sách thí sinh đăng ký dự thi; thông báo lịch thi, địa điểm thi; kết quả thi; hệ thống tra cứu xác minh kết quả thi”.
Yêu cầu này không những tăng tính minh bạch của kỳ thi; tăng trách nhiệm công khai, giải trình của đơn vị tổ chức thi, còn góp phần nâng cao chất lượng ôn tập, chất lượng của kỳ thi và cung cấp kênh thông tin để kiểm tra, xác minh kết quả thi, góp phần phòng chống nạn làm chứng chỉ giả hiện nay. Hay các yêu cầu: Xây dựng “ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa”, “từ năm 2022, tất cả các kỹ năng đều được tổ chức thi trên máy vi tính” cũng góp phần nâng cao chất lượng, tính khách quan, trung thực, tăng độ tin cậy của kỳ thi.
Dự thảo có nội dung thay đổi nhằm phá thế độc quyền và mở ra cơ hội liên kết tổ chức thi, đáp ứng nhu cầu đăng kí dự thi của của thí sinh cả nước. Cụ thể, dự thảo cho phép “các đơn vị có thể phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với các tổ chức có chức năng khảo thí đã có ngân hàng câu hỏi thi, đề thi được xây dựng, quản lý đáp ứng các quy định của Quy chế này; bảo đảm phân công rõ nghĩa vụ, quyền hạn của các bên phối hợp và báo cáo Bộ GD&ĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) trước khi triển khai tổ chức thi”.
Hướng tới giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị tổ chức thi, đi kèm với việc xây dựng quy trình kiểm tra, cho phép tổ chức thi hoặc xử lí vi phạm trong quá trình tổ chức thi. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lí và tạo điều kiện để xã hội giám sát công tác thi, cấp chứng chỉ.
Nâng cao vị thế chứng chỉ ngoại ngữ Việt Nam
Đánh giá cao các sửa đổi, bổ sung quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Quy chế hiện hành, một số nội dung yêu cầu chưa cao, nên chứng chỉ Ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam so với các chứng chỉ quốc tế còn có một khoảng cách. Do đó, nhiều khi xã hội thích dùng các chứng chỉ quốc tế hơn. Nhưng những thay đổi trong dự thảo sẽ tăng chất lượng, độ tin cậy của chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam, thậm chí có thể tương đương với các chứng chỉ quốc tế.
“Tổng thể dự thảo, có thể thấy nổi bật là những sửa đổi nhằm bảo đảm công khai, minh bạch trong tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; yêu cầu cao hơn và minh bạch, rõ ràng về năng lực tổ chức, chất lượng đề; thực hiện giám sát cũng rõ ràng, minh bạch… Tất cả hướng tới bảo đảm chất lượng kỳ thi, tạo uy tín, thương hiệu chứng chỉ Ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam; người nhận chứng chỉ thực chất có năng lực ngoại ngữ; tạo niềm tin cho người học và cho cơ quan sử dụng lao động” – ông Thái Văn Thành nhận định.
Nhấn mạnh các điều kiện bảo đảm chất lượng, GS Thái Văn Thành cho biết: Để được giao tổ chức kỳ thi này, dự thảo yêu cầu trường ĐH phải đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học với chương trình đào tạo ngành ngoại ngữ đúng với ngoại ngữ tổ chức thi. Đây là yêu cầu mới và cao hơn so với quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, những quy định về điều kiện bảo đảm tổ chức thi của trường ĐH (đội ngũ, cơ sở vật chất, đề án tổ chức thi…), các khâu tổ chức thi, năng lực tổ chức của nhà trường… cũng được quy định rõ ràng, thuận lợi cho xã hội và cơ quan quản lý giám sát chất lượng. Đề thi được yêu cầu cao về chất lượng; số lượng câu hỏi được tính đến để các đối tượng thi khác nhau, ở thời điểm khác nhau có đề thi độ khó tương đương, bảo đảm công bằng, khách quan và kết quả đủ độ tin cậy...
“Nếu thực hiện đúng theo quy định này, tôi tin rằng, chất lượng chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam sẽ tăng lên. Quy định mới góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho không chỉ học sinh, sinh viên mà với đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước” – ông Thái Văn Thành cho hay.
Góp ý cho dự thảo ở điểm mới mở cơ hội liên kết tổ chức thi, GS Thái Văn Thành nói: Đơn vị có nhu cầu phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cần báo cáo kế hoạch cho đơn vị có trách nhiệm quản lí nội dung này tại địa phương; ngược lại, đơn vị quản lí cần cử người để tham gia giám sát, bảo đảm tính nghiêm túc, độ tin cậy, chất lượng của kỳ thi. Ngoài ra, cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm quy chế, cũng như không bảo đảm các điều kiện tổ chức thi.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Ngoãn đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để xác định “đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ” ở Điều 4 của Quy chế cho phù hợp với quy định: Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định thành lập các trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc; cho phép thành lập các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuộc ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường và các trung tâm ngoại ngữ, tin học - được thể hiện trong Nghị định số 135/2018/NĐ-CP của Chính phủ.