Theo một nghiên cứu mới, con người một ngày nào đó có thể tái mọc răng của mình tương tự như cá cichlid, chấm dứt việc phải dùng răng giả.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu hàng trăm con cá cichlid nhằm tìm ra những gen nào giúp loài sinh vật này duy trì bộ răng suốt phần đời trưởng thành của chúng. Thông qua tìm hiểu các chất hóa học biến đổi các tế bào thành răng và nụ vị giác ở cá thời kỳ phôi thai, họ hy vọng có thể "kích hoạt" cơ chế tái mọc răng ở người trưởng thành.
Nghiên cứu, vốn bao gồm cả việc xem xét các khác biệt về răng ở chuột, cho thấy, quá trình tái mọc răng có thể vẫn diễn ra trong thời gian dài hơn so với nhận định của chúng ta lâu nay.
Giáo sư Todd Streelman đến từ Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cho biết: "Chúng tôi đã khám phá ra sự phát triển linh hoạt giữa răng và các nụ vị giác. Chúng tôi đang cố gắng hiểu những con đường khiến các tế bào hoặc phát triển thành răng hoặc phát triển thành cơ quan cảm giác".
Giáo sư Streelman và các cộng sự khám phá ra rằng, các răng và nụ vị giác phát triển từ cùng các mô bề mặt ở cá cichlid trong giai đoạn phôi thai. Không giống như con người, cá không có lưỡi, nên các nụ vị giác của chúng tồn tại trộn lẫn với răng, đôi khi thành các hàng sát kề nhau.
Các đàn cá cichlid hồ Malawi tiến hóa từ cùng một tổ tiên từ cách đây hàng ngàn năm. Chúng đã tiến hóa các răng và nụ vị giác sao cho thích ứng với những điều kiện sống độc nhất vô nhị của chúng. Chẳng hạn như, một phân loài cichlid ăn sinh vật phù du và cần ít răng, vì chúng định vị nguồn thức ăn bằng thị lực và nuốt chửng mồi. Trong khi đó, một phân loài cichlid khác sống dựa vào tảo, mọc nhiều răng và nụ vị giác hơn để phân biệt thức ăn và rỉa cắt tảo khỏi đất, đá.
Bằng cách nhúng cá cichlid ở giai đoạn phôi thai vào các hóa chất ảnh hưởng đến các con đường phát triển của chúng, họ đã ăng cường sự phát triển của các nụ vị giác nhưng làm giảm sự phát triển của răng. Những thay đổi này bắt đầu chỉ 5 - 6 ngày sai khi trứng cá được thụ tinh, cá phôi thai mới có mắt và não, đồng thời đang phát triển bộ hàm.
Nhóm nghiên cứu nhận định, dường như có các "công tắc phát triển" sẽ thay đổi số phận của các tế bào biểu mô thông thường thành các cấu trúc răng hoặc cảm giác. Răng và các nụ vị giác bắt nguồn từ cùng mô biểu mô ở các hàm đang phát triển của phôi thai cá và về sau phân hóa để hình thành răng với lớp men cứng hoặc các nụ vị giác mềm.
Thông qua nghiên cứu các khác biệt về di truyền ở cá cichlid và chuột, nhóm nghiên cứu tin rằng, mô tương tự ở người cũng có thể giúp tái mọc răng. Điều này dự kiến sẽ mang tới hy vọng cho 60% số người trưởng thành bị rụng răng vĩnh viễn khi họ bước sang tuổi 60. Hiện tượng rụng răng như vậy hiện không chỉ gây đau đớn về răng miệng, mà còn có thể gây các vấn đề về dinh dưỡng và sức khỏe, dẫn đến suy giảm tuổi thọ của con người,.