Đơn vị tiên phong trong triển khai việc này có lẽ là Đại học Quốc gia Hà Nội với việc ban hành cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo liên thông bậc THPT và bậc đại học ngày 8/3/2018 (Quyết định số 769/QĐ-ĐHQGHN). Theo đó, học sinh THPT chuyên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đang học lớp 12 được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học nếu có học lực tối thiểu loại khá trở lên ở năm học lớp 10, 11; được hiệu trưởng trường THPT chuyên mà học sinh theo học đồng ý bằng văn bản.
Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành quyết định mới thay thế; trong đó, mở rộng đối tượng là học sinh THPT của Đại học Quốc gia Hà Nội và học sinh THPT chuyên trong cả nước. Những em này được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu từ kỳ II lớp 11. Điều kiện về học lực cũng thay đổi với yêu cầu học sinh phải có kết quả học tập tối thiểu loại giỏi trở lên ở năm học, kỳ học trước.
Mới đây, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân cũng thông tin sẽ thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho một số học sinh THPT vượt trội trong năm 2024; giới hạn ở một số môn học cơ bản, phương thức đào tạo là trực tuyến kết hợp trực tiếp. Được biết, cách đây 10 năm, Đại học Quốc gia TPHCM từng có đề án cho học sinh THPT học và thi tín chỉ một số môn học ở chương trình đại học nhưng các trường thành viên chưa thống nhất vì liên quan đến học phí, cách cấp tín chỉ, hình thức học của học sinh.
Cho học sinh học trước một số tín chỉ đại học được nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục đánh giá tốt vì trao cho các em cơ hội tiếp cận sớm môi trường, cách học ở đại học, rút ngắn thời gian đào tạo, đặc biệt tốt với những học sinh sớm xác định con đường học tập sau này. Ngoài ra, các em có cơ hội để trải nghiệm chuyên sâu lĩnh vực mình lựa chọn, từ đó định hình rõ hướng phát triển, nghề nghiệp tương lai…
Tuy nhiên trên thực tế, chủ trương tốt nhưng có vẻ chưa nhiều học sinh thực sự quan tâm đến mô hình này. Học sinh THPT, đặc biệt thời điểm cuối cấp, nhiệm vụ học tập khá nặng nề. Các em thường dồn lực để hoàn thành tốt chương trình học, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học…
Việc tham gia thêm tín chỉ ở đại học sẽ gia tăng áp lực, khiến việc học trở nên quá tải. Thêm vào đó, công nhận tín chỉ giới hạn trong khuôn khổ cơ sở giáo dục đại học ban hành quyết định. Đơn cử, nếu đăng ký học trước tín chỉ tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), học sinh chỉ được xem xét công nhận các học phần khi trúng tuyển vào trường và các đơn vị đào tạo đại học khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Do đó, chủ trương này rất “kén người”, phù hợp nhất với học sinh đã định hình rõ đam mê, có năng lực, khát vọng, thực sự mong muốn theo đuổi 1 ngành học cụ thể trong tương lai.
Luật Giáo dục quy định, người học có quyền học vượt lớp, rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, được tạo điều kiện để học các chương trình giáo dục theo quy định của pháp luật... Tạo điều kiện để học sinh học trước chương trình ở đại học là phù hợp, vì quyền lợi của các em. Tin rằng, ngày càng nhiều học sinh quan tâm đến việc này nếu có thêm cơ sở giáo dục đại học triển khai, cơ hội tiếp cận với kiến thức chuyên ngành đa dạng, phong phú hơn; phương thức đào tạo tính toán để thuận lợi cho người học.