Đây là cơ hội để mỗi trường nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo.
Xác lập vị thế học thuật
Đầu tháng 11/2024, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) của Anh công bố Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học châu Á năm 2025. Đợt này, Việt Nam có 17 trường nằm trong danh sách xếp hạng, tăng 2 trường so với năm trước. Tại khu vực ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ có mặt trong bảng xếp hạng (xếp vị trí 521 - 540, tăng so với năm trước là 651 - 700).
Với vai trò trường đại học trọng điểm tại ĐBSCL, mới đây, Trường Đại học Cần Thơ đón nhận thêm 10 chứng nhận của các chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng của Bộ GD&ĐT và 12 chứng nhận của AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance). Theo lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, thời gian qua, trường luôn coi trọng công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục, xem đây là mục tiêu chiến lược xuyên suốt trong quá trình phát triển. Việc đạt được các chứng nhận KĐCL giáo dục không chỉ là cột mốc quan trọng, mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của trường trong việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo…
Hiện, Trường Đại học Cần Thơ có 28 chương trình đào tạo đạt chứng nhận KĐCL giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT (trong đó 2 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ) và 37 chương trình đào tạo đạt chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN-QA (trong đó có 6 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 3 chứng nhận thuộc chu kỳ II). Trường đã đạt chứng nhận KĐCL cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT (chu kỳ II).
PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nhà trường đã và đang thúc đẩy triển khai Đề án xây dựng trường thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng khoa học của vùng ĐBSCL cũng như cả nước. Để hiện thực hóa Đề án, nhà trường chú trọng việc đảm bảo đạt chuẩn KĐCL. Hiện nay, Trường Ðại học Cần Thơ tổ chức đào tạo 119 chương trình bậc đại học, 52 ngành cao học và 21 ngành nghiên cứu sinh. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 95,34%.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi các trường đại học cần xác lập vị thế học thuật và chất lượng đào tạo qua đánh giá của thị trường lao động. Không riêng Trường Đại học Cần Thơ, các trường đại học khác trên địa bàn đã, đang tập trung thực hiện công tác này.
Thời gian qua, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ luôn xác định chất lượng là yếu tố then chốt của sự phát triển và bảo đảm chất lượng đã trở thành nhu cầu tự thân để khẳng định vị thế, thương hiệu của trường. Sau khi đạt chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ I (giai đoạn 2018 - 2023), trường tiến hành các hoạt động tự đánh giá, chuẩn bị các điều kiện và đạt KĐCL trường chu kỳ II (giai đoạn 2024 - 2029). Đầu tháng 7/2024, trường nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn KĐCL cơ sở giáo dục (chu kỳ II).
Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nhằm đảm bảo sự cam kết và tính giải trình với xã hội về chất lượng, uy tín và khẳng định thương hiệu, trường sẽ cải tiến chất lượng liên tục và đăng ký đánh giá các chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA và các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác trong thời gian tới…
Tăng cường đầu tư, đảm bảo chất lượng
Tương tự các trường đại học công lập, ở khối ngoài công lập, Trường Đại học Tây Đô, Trường Đại học Nam Cần Thơ tập trung đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. 2 trường đại học này đã đạt KĐCL cơ sở giáo dục chu kỳ II. Riêng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cuối tháng 9/2024 công bố có thêm 8 chương trình đào tạo đạt chuẩn KĐCL giáo dục theo các điều kiện quy định của Bộ GD&ĐT, gồm: Dược học, Ngôn ngữ Anh, Quan hệ công chúng, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Kỹ thuật xây dựng, Luật Kinh tế và thạc sĩ ngành Luật Kinh tế.
Theo đại diện các trường đại học, KĐCL cơ sở giáo dục là quá trình xem xét chất lượng cơ sở giáo dục từ bên ngoài, qua đó khảo sát, đánh giá nhằm giúp các đơn vị cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Hiện nay, các trường đại học được đánh giá KĐCL theo Thông tư 12/2017 của Bộ GD&ĐT (với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí). Do đó, để đạt chuẩn kiểm định, đòi hỏi sự nỗ lực đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo ở mỗi trường.
Tại Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, đầu tháng 10/2024, đoàn khảo sát của Trung tâm KĐCL giáo dục Sài Gòn thực hiện đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài 6 chương trình đào tạo. Các chuyên gia khảo sát đánh giá về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ giảng viên, liên kết hợp tác doanh nghiệp và các hồ sơ minh chứng...
Theo GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Trưởng đoàn khảo sát, các chương trình đào tạo của trường đều đạt yêu cầu theo quy định. Trong đó, những mặt mạnh cần phát huy như cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm thực hành được đầu tư xây dựng đạt chuẩn; đội ngũ cán bộ giảng viên phát triển nhanh; chất lượng đào tạo cũng như công tác tuyển sinh của trường đảm bảo kế hoạch hằng năm... Tuy vậy, nhà trường cần có chính sách thu hút giảng viên, tranh thủ nguồn lực đầu tư để phát triển cơ sở vật chất cũng như xây dựng chương trình đào tạo…
Hiện, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ có 22 ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, với hơn 6.000 sinh viên. Việc đánh giá ngoài các chương trình đào tạo nhằm thực hiện công tác KĐCL giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo, đồng thời khẳng định được thương hiệu, chất lượng trường đại học.
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã - Hiệu trưởng nhà trường, trường tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo để có thêm 6 chương trình đào tạo đạt KĐCL, nâng tổng số lên 12 chương trình đào tạo đạt KĐCL, đạt 100% chương trình đào tạo có sinh viên tốt nghiệp được KĐCL…
Bảng xếp hạng đại học châu Á của QS năm 2025 có 984 đại học đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các tiêu chí đánh giá gồm: Danh tiếng học thuật, danh tiếng nhà tuyển dụng, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, mạng lưới nghiên cứu quốc tế; chỉ số trích dẫn trên bài báo, tính quốc tế...