Sau đó được Bộ GD&ĐT quy định chính thức tại Thông tư số 23/ 2021/TT-BGDĐT. Nhiều sinh viên tự tin vào sức học và có đam mê nghiên cứu sâu trong một lĩnh vực có thể rút ngắn thời gian học thạc sĩ và đại học chỉ còn 5 năm.
“Song bằng” trong 5 năm
Khoản 2, Điều 4, Chương 1 của Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021 quy định: “Sinh viên đang học chương trình đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định được đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ tại cùng cơ sở đang học đại học. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ”.
Theo PGS.TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Sau đại học, ĐHQG TPHCM, sinh viên năm 3, năm 4 có điểm trung bình tích lũy đến thời điểm xét tuyển đạt loại khá trở lên (từ 7,0 điểm trở lên theo thang điểm 10) và đang theo học ngành học phù hợp tại các trường, viện nghiên cứu, đơn vị trực thuộc ĐHQG TPHCM có thể học liên thông lên trình độ thạc sĩ.
Chương trình này sẽ giúp sinh viên có học lực khá, giỏi rút ngắn thời gian đạt trình độ thạc sĩ, với tổng thời gian đào tạo chỉ từ 4,5 - 5,5 năm. “Quy định này tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, PGS.TS Vũ Phan Tú cho biết.
Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM là một trong những trường đầu tiên tại TPHCM thực hiện chương trình này, vào năm 2019. PGS Hoàng Trang, Trưởng phòng Sau đại học, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho hay: “Trường ủng hộ các sinh viên theo học chương trình này nên đã thực hiện từ sớm. Sau khi áp dụng, có nhiều em đăng ký”.
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM cũng áp dụng chương trình này cho một số ngành như Công tác xã hội, Lịch sử Việt Nam, Lý luận và phương pháp dạy học tiếng Anh, Lý luận văn học, Ngôn ngữ học, Quan hệ quốc tế, Quản lý giáo dục, Văn học Việt Nam và Việt Nam học. Mỗi ngành tuyển sinh 10 chỉ tiêu mỗi năm và thu hút nhiều sinh viên đăng ký theo học.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM trong cuộc thi thiết kế xe tự hành. Nguồn: BFMC. |
Mở thêm ngành liên thông
Đăng ký theo học chương trình trên, Phạm Thanh Ngân, cử nhân khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM cho rằng, chương trình rất thú vị vì thực tế có nhiều sinh viên có khả năng, đọc, hiểu vượt kiến thức bậc đại học nhưng không thể đi xa hơn vì phải “chờ” đồng môn. Chương trình này sẽ giúp sinh viên học tập thú vị hơn vì “khớp” với trình độ của mình.
“Ưu điểm của chương trình là có thể lấy điểm từ môn học thạc sĩ cho môn học ở đại học nhưng cũng cần có hướng ngược lại để tiết kiệm thời gian học. Đồng thời, chương trình nên tăng cường thời gian thực hành, thực tập để đảm bảo sau khi nhận bằng thạc sĩ người học có kiến thức, kỹ năng đáp ứng được ngay nhu cầu xã hội. Ngoài ra, số lượng các ngành được đào tạo theo chương trình cũng chưa nhiều để sinh viên chọn lựa”, Phạm Thanh Ngân góp ý.
Liên thông từ đại học lên thạc sĩ là chương trình hay, mỗi ngành dù chỉ tiêu chỉ tuyển 10 sinh viên nhưng số người tham gia sẽ ít hơn. Chia sẻ điều này, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM đồng thời nhìn nhận:
Điều này bình thường vì khi học thạc sĩ phải tùy thuộc vào năng lực. Không chỉ thế, sinh viên phải biết cách sắp xếp thời gian khoa học nhất, cũng như chủ động để biết mình đang học môn nào, có những yêu cầu gì để tích lũy kiến thức. Một điều thuận lợi là chương trình thạc sĩ được đào tạo vào buổi tối hoặc các ngày thứ 7 và Chủ nhật nên sinh viên tham gia chương trình này có thể theo học được.
Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, tính đến năm 2023, tổng số sinh viên tham gia chương trình này là 1.693 người. Trong số này, có 349 người đã trúng tuyển thạc sĩ chính thức. Hiện có 61 sinh viên từ chương trình này nhận bằng thạc sĩ. Chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Thắng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM chỉ cho phép học trước 12 tín chỉ của thạc sĩ để giúp sinh viên cân đối được thời gian học các tín chỉ bậc đại học. 48 tín chỉ còn lại của bậc thạc sĩ, người học có thể chỉ cần 1 năm là hoàn thành.
Còn tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM, theo TS Phạm Tấn Hạ, đơn vị tiếp tục mở rộng ngành liên thông từ đại học lên thạc sĩ. “Khi mới triển khai, trường chỉ áp dụng với ngành đã kiểm định đạt chuẩn AUN. Điều này là cần thiết để đảm bảo đủ chất lượng, năng lực đào tạo. Nhưng tương lai sẽ mở rộng ra nhiều ngành hơn nữa để đáp ứng nhu cầu người học, bắt đầu từ ngành đã qua kiểm định cấp trường, ngành”, TS Hạ thông tin.
Theo quy định về đào tạo liên thông từ trình độ đại học lên thạc sĩ của ĐHQG TPHCM, các cơ sở giáo dục được đăng ký tất cả ngành đào tạo liên thông trình độ đại học - thạc sĩ khi đã đạt chứng nhận kiểm định cấp trường theo tiêu chuẩn quốc tế được Bộ GD&ĐT công nhận và còn thời hạn. Với cơ sở giáo dục chưa kiểm định cấp trường được đăng ký đào tạo liên thông với ngành đã được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, hoặc đạt chứng nhận kiểm định chất lượng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ quốc tế được Bộ GD&ĐT công nhận và còn thời hạn. Ngoài ra, với chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng của ĐHQG TPHCM, PFIEV và chương trình tiên tiến theo đề án của Bộ GD&ĐT được đào tạo liên thông trình độ đại học - thạc sĩ. Hình thức tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ đại học - thạc sĩ là xét tuyển. Chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá 50% chỉ tiêu trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng.