Việc cho phép sinh viên được học song ngành và các trường đại học có thể trao đổi sinh viên, công nhận lẫn nhau về quy trình, nội dung đào tạo, giá trị của tín chỉ đã mở ra nhiều cơ hội cho các cử nhân tương lai.
Cùng lúc học hai chương trình
Từ nhiều năm nay, sinh viên Trường ĐH Hà Nội có thể đăng ký cùng lúc hai chương trình để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng. TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, quy định này được sinh viên đón nhận với thái độ tích cực và hào hứng. Việc học ngành thứ 2 tạo điều kiện cho người học có thể hoàn thành 2 chương trình đào tạo, được nhận 2 bằng đại học sau khi tốt nghiệp. Điều này tiết kiệm thời gian và kinh phí do được công nhận và chuyển đổi kết quả học tập đối với những học phần chung giữa 2 chương trình đào tạo.
“Chẳng hạn, sinh viên học ngành thứ 1 là ngôn ngữ thì có thể học ngành thứ 2 trong lĩnh vực: Quản lý và kinh doanh, công nghệ thông tin, truyền thông doanh nghiệp... Đây là ngành đào tạo bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ngoài ra, các em cũng có thể chọn ngành thứ 2 là một ngôn ngữ “hot”, hoặc ngôn ngữ hiếm” - TS Nguyễn Tiến Dũng trao đổi.
Đây cũng là cơ hội để sinh viên có thể theo học ngành mà mình đặt làm nguyện vọng 1, 2 khi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Hà Nội nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển. Đặc biệt, sinh viên có thể gia tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp do có thêm kiến thức, kỹ năng ở lĩnh vực khác nhau.
Theo Quy chế đào tạo đại học của Trường ĐH Hà Nội, tại thời điểm đăng ký học hai chương trình, sinh viên phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện: Có điểm trung bình chung tích lũy đạt từ 2,5 trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh. Có điểm trung bình chung tích lũy đạt từ 2,0 đến 2,49 và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.
Từ năm 2020, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh triển khai cho sinh viên học song ngành ở 2 trường khác nhau trong hệ thống. Bà Nguyễn Thị Bích Hà - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) - cho hay, sinh viên theo học hình thức đào tạo song ngành phải đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ nhất mới có thể được xét tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ hai.
Việc theo học hai chương trình đào tạo là thách thức, song cũng mở rộng cơ hội cho sinh viên của trường nói riêng và sinh viên thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh nói chung. Chương trình song ngành giúp các em có thêm nhiều cơ hội việc làm.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội). |
Được phép trao đổi sinh viên
Cuối tháng 10/2022, 10 trường đại học hàng đầu cả nước trong khối kinh tế đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo đảm chất lượng giáo dục. Các trường tham gia thỏa thuận gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Thương mại; Học viện Tài chính; Học viện Ngân hàng; Học viện Chính sách và Phát triển; Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội); Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng); Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế); Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, 10 trường đại học sẽ tổ chức các khóa trao đổi học viên, sinh viên. Khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần) cho phép người học của các trường được đăng ký học tập/thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng sinh viên của trường tiếp nhận trong các lớp mở theo kế hoạch học tập của trường.
Khóa ngắn hạn (từ 3 - 8 tuần) được tổ chức trong thời gian hè. Các trường đại học công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học thuộc nhóm 10 trường trong thỏa thuận đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ. Chương trình dự kiến mở từ học kỳ hè năm học 2022 - 2023 tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Các chương trình tiếp theo sẽ tổ chức luân phiên tại các trường (theo đăng ký tự nguyện).
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - chia sẻ, thỏa thuận giữa các trường nhằm tạo dựng môi trường học tập thuận lợi nhất cho sinh viên. Qua đó, đem đến cho các em nhiều trải nghiệm bổ ích trước khi bước vào thị trường việc làm. Mỗi trường có thế mạnh riêng, sinh viên có thể tìm hiểu và khai thác những điểm tốt nhất của từng trường. Trước khi thỏa thuận, các trường đã điều chỉnh để chương trình đào tạo tương đối gần nhau. Khi sinh viên học trao đổi trong 1 học kỳ (khoảng 3 - 4 môn) thì các môn này có sự tương đồng với môn sẽ học tại trường tiếp nhận.
PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - thông tin, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện trao đổi sinh viên giữa trường trong nước với trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi sinh viên giữa các trường trong nước với nhau chưa nhiều. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang tiến hành rà soát lại toàn bộ kế hoạch đào tạo để bảo đảm phù hợp với kế hoạch đào tạo của các trường khác. Nhà trường cũng chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của trường bạn tham gia hợp tác lần này.
Là sinh viên hoàn thành tốt nghiệp và nhận bằng chỉ sau 3,5 năm học tập, Trần Thế Khoa, kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, cho biết: “Ngành học liên thông và được công nhận (quy đổi) tín chỉ với nhóm trường trong khối kỹ thuật nên em theo dõi từng học phần và số tín chỉ trong mỗi học kỳ cần hoàn thành để sắp xếp và đăng ký học, thậm chí đăng ký học vượt, nhờ vậy tích lũy đủ số tín chỉ đào tạo (điều kiện tốt nghiệp) trong khoảng 3,5 năm.
Việc tiết kiệm được khoảng thời gian nửa năm học không chỉ giúp em nhanh chóng chọn lựa cho mình cơ hội việc làm, quan trọng hơn việc học nhanh còn tiết kiệm được khoản chi phí để lo cho em ruột đang theo học tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM”.