Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Mới đây, trong lúc đi nhặt phế liệu ven bờ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), chị Võ Thị Nhờ ở thôn Đông, An Vĩnh (Lý Sơn) đã phát hiện một con đồi mồi - một loại rùa biển, đang giãy giụa trong mớ bùng nhùng của tấm lưới cũ.

Sau khi gỡ con đồi mồi ra khỏi lưới, chị Nhờ đã mang nó nộp cho Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Một ngày sau, con đồi mồi này được thả về với môi trường tự nhiên. Đây là con đồi mồi thứ hai trong tháng 11/2024, được Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn giải thoát.

Đồi mồi, có tên khoa học Eretmochelys imbricate, là loài rùa biển nằm trong sách Đỏ Việt Nam và được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, cấm săn bắt và mua bán.

Cũng may là chị Nhờ đã linh cảm biết được rằng đây là loài rùa biển cực kỳ quý hiếm cần được bảo vệ nên mang nộp đúng địa chỉ là Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Trong nhiều thế kỷ, đồi mồi được săn lùng ráo riết ở Nhật Bản và Trung Quốc nhằm phục vụ cho việc chế tác đồ thủ công mỹ nghệ rồi bán cho giới thượng lưu. Tuy nhiên, kể từ khi xác định đồi mồi đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ra thông báo cấm săn bắt và mua bán nên nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hưởng ứng lời cảnh báo này.

Một cuộc khảo sát 106 chuyên gia nghiên cứu đại dương trên toàn cầu do Trường Đại học Exeter (Anh) tổ chức cho thấy, mỗi năm có hơn 1.000 con rùa biển bỏ mạng vì không thể thoát được khi mắc vào những tấm lưới đánh cá của ngư dân vứt xuống biển.

Bên cạnh những loại lưới cũ, các loại có họ hàng với nhựa như hộp bia, dây nhựa, bong bóng, dây diều, dây cáp, dây mỏ neo… cũng là những vật dụng góp phần kết liễu đời rùa biển.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào lòng đại dương, trong đó Việt Nam “góp” khoảng 1,8 triệu tấn. Nếu không bị lưới cũ quấn vào thân làm cho cạn kiệt sức lực dẫn đến tử vong thì loài rùa biển cũng có thể phải mang trên thân nó một thứ rác nhựa nào đấy do con người thải ra và không thể nào sinh sản được nữa.

Điều đó lý giải vì sao loài rùa biển bị cạn kiệt dần mỗi năm dù có nhiều địa phương như Côn Đảo chẳng hạn, quy hoạch hẳn một vùng bờ cát rộng lớn để rùa về đẻ và được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Giải thoát cho hai cá thể đồi mồi của ngư dân Lý Sơn mới đây là việc làm đáng được biểu dương về ý thức của con người trước sự tồn vong của loài động vật quý hiếm này. Tuy nhiên, nếu người dân chấm dứt việc xả chất thải nhựa xuống biển thì đáng được biểu dương hơn.

Vì vừa cứu đồi mồi lại vừa xả chất thải nhựa xuống biển thì cũng không mang nhiều ý nghĩa nữa. Bởi lẽ, không ai dám chắc những con đồi mồi vừa được giải thoát kia lại không mắc vào một tấm lưới cũ nào đó được ngư dân ném xuống biển!

Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ