Tiến sĩ “bắt bài” Covid-19

GD&TĐ - Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đợt thứ nhất, thì cũng là lúc TS Nguyễn Phú Hùng lặng lẽ trăn trở với những câu hỏi làm thế nào “bắt bài” con virus để chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm ?

TS Nguyễn Phú Hùng báo cáo với Hội đồng khoa học công nghệ nghiệm thu kết quả nghiên cứu.
TS Nguyễn Phú Hùng báo cáo với Hội đồng khoa học công nghệ nghiệm thu kết quả nghiên cứu.

Chia sẻ tâm huyết của mình với lãnh đạo Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, TS Nguyễn Phú Hùng đã nhận được sự ủng hộ của tập thể ban lãnh đạo, anh được giao làm chủ nhiệm đề tài, toàn quyền chủ động lựa chọn các cộng sự để thành lập nhóm nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu được lựa chọn làm nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác về Nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và ĐH Thái Nguyên, thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 5/2020.

“Khi nhóm bắt tay vào thực hiện, chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhiều người thậm chí hoài nghi, họ bày tỏ với tôi sự ái ngại và cho rằng việc này là cực khó, nằm ngoài khả năng của nhóm nghiên cứu và nhà trường. Nhưng tôi hiểu TS Hùng, tin tưởng vào sự nghiêm túc và tâm huyết cũng như trình độ của anh cùng nhóm cộng sự. Nếu không đủ năng lực, sự dấn thân, tinh thần trách nhiệm, nhóm nghiên cứu chắc không dám nhận nhiệm vụ này” - PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên nhớ lại.

Nguyễn Phú Hùng và nhóm nghiên cứu tập trung cao độ cho công trình.
Nguyễn Phú Hùng và nhóm nghiên cứu tập trung cao độ cho công trình. 

“Nhiều khi thầy Đăng và nhà trường còn sốt ruột và lo lắng hơn chúng tôi” - TS Nguyễn Phú Hùng vui vẻ nói. “Có những hôm thử nghiệm không thành công, làm đi làm lại đến 5 - 6 lần, mãi 22 giờ mới về đến nhà, con nhỏ đã ngủ say rồi. Cũng vất vả, nhưng thực sự mà nói, trong làm khoa học, những chuyện như thế cũng là bình thường. Được nghiên cứu, đó mới là niềm vui. Và kết quả nghiên cứu, đó là hạnh phúc” - TS Nguyễn Thị Hương, một thành viên trong nhóm nghiên cứu đề tài mở lòng bày tỏ.

Sau 90 ngày nghiên cứu, tháng 6/2020, sản phẩm được Viện Kiểm định quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) chứng nhận kiểm nghiệm. Đến 8/2020, kết quả nghiên cứu được Hội đồng khoa học và công nghệ nghiệm thu, với các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Đại học Việt - Pháp.

Bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR.
Bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR.

Kết quả cho thấy, các chỉ số của bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR là rất tích cực. Độ nhạy, độ đặc hiệu lâm sàng đạt 100%, giới hạn phát hiện (LoD95) tốt, từ 10 - 50 copies/phản ứng. Thời gian thực hiện phản ứng trong khoảng thời gian chỉ từ 60 - 75 phút (các bộ sinh phẩm khác hiện nay có thời gian thực hiện trung bình từ 90 - 120 phút). Giá thành của sản phẩm khoảng 370.000 đồng/test, giảm đáng kể so với một số bộ kit đang sử dụng trên thị trường.

Phát huy và ứng dụng kết quả công trình nghiên cứu này, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Đại học Thái Nguyên đã cho triển khai sản xuất 1.000 bộ test xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngày 2/6, 1.000 bộ sinh phẩm này đã được trao tặng cho tỉnh Thái Nguyên, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh…

Học tập và nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y học quốc gia Pháp, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Bordeaux, Cộng hòa Pháp (2011 - 2017). Hiện là Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy: Di truyền học phân tử, tế bào các bệnh ở người; Tế bào gốc ung thư và liệu pháp nhắm đích. - Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ