Tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở lớp học trên.
Ở cấp tiểu học và THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp...
Thực hiện Nghị quyết 88, Chương trình GDPT 2018 thiết kế Chương trình môn Lịch sử và Địa lý với nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần để hỗ trợ nhau. Nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung lịch sử.
Với Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm; đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Triển khai dạy học các môn tích hợp, Bộ GD&ĐT đã ban hành sớm, đầy đủ hướng dẫn giúp cơ sở giáo dục có thể chủ động, thuận lợi triển khai. Có thể kể đến những văn bản quan trọng: Công văn 344/BGDĐT-GDTrH năm 2019 hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT; Công văn 2061/BGDĐT-CNTT năm 2019 hướng dẫn triển khai hệ thống công nghệ thông tin tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình GDPT mới;
Công văn 2384/BGDĐT-GDTrH năm 2020 hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH năm 2020 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; 2 công văn (số 2613 và số 1496) triển khai thực hiện Chương trình giáo dục trung học năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023… Cùng với đó là các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học (Công văn 3699 cho năm học 2021 - 2022, Công văn số 4020 cho năm học 2022 - 2023).
Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục phát huy tính tự chủ trong xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó có tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên như: Linh động trong bố trí thời khóa biểu, điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tiến độ chương trình và tình hình thực tiễn của mỗi nhà trường.
Tuy nhiên, dù đã là năm thứ hai nhưng việc xây dựng, triển khai kế hoạch dạy học môn Khoa học tự nhiên phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình vẫn gặp khó khăn. Số tiết dạy học trong một tuần không ổn định. Có thời điểm giáo viên phải dạy số tiết vượt định mức, gây quá tải. Bên cạnh đó, hiện đa số giáo viên chỉ đảm nhiệm một số chủ đề trong môn Khoa học tự nhiên nên khó nắm bắt được tình hình học tập của học sinh…
Thực tế triển khai các môn tích hợp có thể thấy, để đổi mới thành công, bên cạnh nắm vững văn bản chỉ đạo, các nhà trường buộc phải đổi mới tư duy, nỗ lực tìm tòi để có giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Đặc biệt, cần tập trung cao độ tâm sức cho xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; chú trọng tính đồng bộ thống nhất cao giữa nhà trường - tổ chuyên môn và giáo viên. Người đứng đầu nhà trường chỉ đạo sát sao, kịp thời, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để tháo gỡ khó khăn cho giáo viên.
Đội ngũ là yếu tố quyết định thành công khi triển khai các môn học tích hợp. Mà đội ngũ muốn phát huy được năng lực để làm tốt nhiệm vụ cần trước hết là kiến thức chuyên môn để có thể tự tin đứng lớp. Kiến thức này có được qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng chất lượng; nhưng quan trọng hơn cả là tự bồi dưỡng và bồi dưỡng ở các nhà trường, tổ nhóm chuyên môn. Cuối cùng là chính sách giúp đội ngũ yêu nghề, say nghề, sẵn sàng vượt khó để thực hiện thành công đổi mới.