Chủ động… chạy đà dạy học tích hợp

GD&TĐ - Để đúng với tinh thần đổi mới, các trường học đã có sự điều chỉnh khi dạy học tích hợp.

Trường THCS Nguyễn Huệ đón học sinh lớp 6 trong Lễ khai giảng năm học 2022 – 2023.
Trường THCS Nguyễn Huệ đón học sinh lớp 6 trong Lễ khai giảng năm học 2022 – 2023.

Thời gian đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường học sử dụng phương án tổ chức dạy học các môn học mới gồm Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý theo hướng chia ra cho giáo viên đảm nhận theo chuyên môn đào tạo.

Tuy nhiên, để đúng với tinh thần đổi mới, các trường học đã có sự điều chỉnh, một giáo viên đảm nhận dạy các phân môn của môn học mới. Giáo viên vì vậy phải tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu.

Hỗ trợ đồng nghiệp

Ngay trong hè 2022, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tổ chức sinh hoạt nhóm chuyên môn của giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý khối lớp 6 và 7 để xây dựng kế hoạch dạy học và dạy thử. Cô Ông Thị Diễm vốn được đào tạo đơn môn dạy Sinh học nhưng năm học 2022 – 2023 này sẽ đảm nhận thêm cả nội dung kiến thức Vật lý và Hóa học ở môn Khoa học tự nhiên lớp 6.

Cô Diễm cùng 6 giáo viên trong nhóm chuyên môn khối lớp 6 cùng nhau soạn giảng, phân tích, bổ sung để thống nhất nội dung cốt lõi của mỗi bài học theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Các giáo viên sẽ cùng nhau dạy thử để đồng nghiệp bổ sung, góp ý những nội dung thuộc phân môn không phải sở trường mình được đào tạo.

Cô Diễm chia sẻ: “Trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm, chúng tôi vẫn được học những kiến thức Hóa đại cương. Chỉ cần đầu tư thời gian để xem và hệ thống lại mạch kiến thức thì không đến nỗi quá khó khăn. Nhưng với môn Vật lý, để có thể nắm chắc kiến thức và tự tin trong quá trình dạy học thì buộc phải “học” lại”.

Ngoài nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, sách giáo viên của Chương trình GDPT 2018, cô Diễm còn đọc và so sánh với sách giáo khoa cũ; tự học các chuyên đề Vật lý và giáo trình đại học môn Hóa.

Giáo viên dạy Khoa học tự nhiên khối lớp 6 – 7 Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ngoài sinh hoạt nhóm chuyên môn theo từng tuần còn thường xuyên trao đổi online để hoàn chỉnh kế hoạch dạy học. “Hầu hết giáo viên của trường đều được đào tạo đơn môn nên khi một giáo viên đảm nhận dạy 3 môn học thì việc tự học, tự nghiên cứu rất quan trọng. Các giáo viên trái môn sẽ góp ý, bổ sung hoặc giải đáp để bổ trợ thêm cho đồng nghiệp trong quá trình tự bồi dưỡng. Kế hoạch dạy học của giáo viên đều được các thầy cô trong nhóm góp ý, bổ sung để hoàn thiện” – cô Trần Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) phân công 2 giáo viên đảm nhận môn Khoa học tự nhiên khối 6 và 7. Trong đó, có một giáo viên được đào tạo chuyên môn Vật lý và 1 giáo viên Sinh học.

Cô Đoàn Thị Mỹ Hoàn là giáo viên hợp đồng, tiếp nhận công việc từ tháng 8/2022. Với giáo viên hợp đồng, nhà trường chủ trương ký hợp đồng trước khai giảng 1 tháng để triển khai bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn. Do cả trường chỉ có một giáo viên dạy Sinh – Hóa cho tất cả khối lớp nên mọi kế hoạch bài dạy của cô Mỹ Hoàn đều được thầy Trần Văn Thắng, Phó Hiệu trường nhà trường, góp ý bổ sung ở phần kiến thức phân môn Hóa học.

“Chưa có trải nghiệm đứng lớp cũng là một khó khăn đối với tôi. Nhưng đổi lại, đây cũng là cơ hội để bản thân áp dụng các phương pháp dạy học mới. Môn Hóa – Sinh có những nội dung có liên quan, bổ trợ cho nhau nên dạy học tích hợp không có quá nhiều mạch kiến thức mới phải tìm hiểu” – cô Hoàn cho biết.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam - chia sẻ: “Do số lớp ít, mỗi khối chỉ có một lớp nên nhà trường bố trí 2 giáo viên đảm nhận dạy học môn Khoa học tự nhiên. Nếu để một giáo viên dạy cả 3 phân môn thì những giáo viên khác không đủ định mức tiết dạy theo quy định. Hơn nữa, với đặc thù học sinh của trường, việc dạy đơn môn sẽ đảm bảo chất lượng hơn. Quy mô trường nhỏ nên việc phân chia thời khóa biểu không quá khó”.

Nỗi lo… gánh nặng đường xa

Bài tập về nhà của bài 1 - Giới thiệu về Khoa học tự nhiên (môn Khoa học tự nhiên lớp 6), cô Ông Thị Diễm giao cho các em tiến hành thí nghiệm nhuộm màu cho hoa. Em Vũ Duy Anh, học sinh lớp 6/8 chọn bông cúc màu trắng, dùng dao tách đôi cành cây để có thể nhuộm 2 màu trên cùng một bông hoa. Nhưng có học sinh chọn bông hoa có màu đậm hoặc dùng màu tự nhiên nên cánh hoa không thể chuyển màu được.

Duy Anh kể: “Từ sản phẩm thực hành, với sự gợi ý của cô giáo, chúng em phân tích được khả năng vận chuyển chất của một số loại cây, giải thích được vì sao có sự khác nhau giữa màu thực phẩm và màu công nghiệp khi dùng để pha nước nhuộm cho cây. Bài học mở đầu môn học vì thế hấp dẫn và thú vị, kích thích chúng em khám phá và tìm tòi”.

Cô Lê Thị Bích Nhung - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - nhận xét: “Học sinh lớp 7 hỏi rất nhiều kiến thức rộng và chuyên sâu liên quan đến bài học. Điều này chứng tỏ các em hiểu bài và có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế đời sống. Tuy nhiên, điều này lại khiến giáo viên đứng lớp rất “hồi hộp”. Có những câu hỏi của học sinh, thầy, cô giáo phải “nợ” để trả lời vào những tiết sau”.

Là giáo viên được đào tạo chuyên môn Hóa – Sinh, cô Bích Nhung có thuận lợi hơn các giáo viên đơn môn khi chỉ cần tự cập nhật thêm kiến thức môn Vật lý và hệ thống lại môn Sinh. “Ở học kỳ I, vì chưa có kiến thức môn Vật lý nên ngoài triển khai kế hoạch bài dạy cho giáo viên nhóm Khoa học tự nhiên lớp 7 tham khảo, tôi còn hỗ trợ đồng nghiệp những câu hỏi liên quan đến bài dạy. Thầy cô chủ yếu hỏi những ý nhỏ nhằm phát triển sâu hơn bài giảng hoặc những ví dụ cho phần liên hệ thực tiễn” – cô Nhung chia sẻ.

Tuy nhiên, cả cô Diễm và cô Nhung đều cho rằng, khi Chương trình GDPT mới triển khai đến lớp 8, 9, khối lượng kiến thức chuyên sâu nhiều hơn, giáo viên được đào tạo đơn môn không thể đảm nhiệm “3 trong 1 được”.

Thầy Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Với khối lớp 8 - 9 của những năm học sắp tới, nhà trường sẽ phân công giáo viên dạy đơn môn để bảo đảm kiến thức sâu và hỗ trợ học sinh tốt nhất. Theo đó, giáo viên lần lượt dạy theo chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình và kết thúc chủ đề nào thì kiểm tra đánh giá chủ đề đó”. Với phương án này, sẽ có những thời điểm, số tiết dạy/tuần của giáo viên sẽ vượt quá quy định nhưng tính theo năm học thì vẫn đủ tổng số tiết dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ