Những giờ học cuốn hút
Trong giờ học môn Khoa học tự nhiên lớp 7 tại Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), thầy Nguyễn Văn Trung dạy về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, giúp học trò nêu được nguyên tắc xây dựng, mô tả được cấu tạo, cách sử dụng bảng tuần hoàn để chỉ ra các nhóm nguyên tố.
Dù là giáo viên được đào tạo chuyên sâu hóa học nhưng thầy Trung đã lồng ghép các kiến thức vật lý, sinh học trong bài giảng. Học sinh được liên hệ với những ứng dụng của các nguyên tố hóa học trong đời sống hàng ngày như tìm hiểu thủy ngân, kim loại được ứng dụng để chế tạo nhiệt kế… Thầy cũng hướng dẫn học sinh tìm hiểu về nguyên tố phi kim có trong thành phần của kem đánh răng, muối ăn... Hoặc trong dịp Tết hay lễ hội kinh khí cầu, vậy thành phần khí nào được bơm trong đó?
Qua bài học đậm hơi thở cuộc sống, học sinh hiểu hơn về các nguyên tố hóa học. Thầy còn hướng dẫn các em tìm hiểu từ Internet và tài liệu để viết một đoạn thông tin về nguyên tố hóa học cần thiết cho sự hô hấp của con người và sinh vật trên Trái đất. Việc vận dụng ngay các kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề thực tiễn trong cuộc sống sẽ xóa tan tình trạng học vẹt, học trước quên sau trước đây.
Thầy Trung cho biết, phương pháp dạy học cũ, chỉ xuất phát từ phía giáo viên, đôi khi khiến học sinh cảm thấy bơ vơ, không theo kịp tiến độ học tập trên lớp. Tuy nhiên với phương pháp mới, đòi hỏi giáo viên cần nhiều thời gian quan tâm và giám sát từng em để phát triển năng lực đồng đều.
Nguyễn Ngọc Anh - học sinh Trường THCS Hoàng Mai - thích thú với giờ học Khoa học tự nhiên của thầy Trung. “Nội dung bài học bám sát thực tế kết hợp với phương pháp giảng dạy trực quan sinh động, giúp em hứng thú với bài học hơn. Học khoa học tự nhiên nhưng em còn được ra sân trường vận động, để thầy giải thích cho những hiện tượng vật lý, hóa học qua những bước chạy”, Ngọc Anh chia sẻ.
Theo thầy Phạm Bá Dũng - Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa), đối với môn Khoa học tự nhiên của chương trình mới, mỗi bài học đều có tiến trình riêng như khởi động, hình thành kiến thức và luyện tập vận dụng kiến thức. Trong quá trình dạy, các em khá hào hứng khi được vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực, cũng như các chuyên ngành để giải quyết một vấn đề cụ thể.
Trước đây, với các chương trình như Hóa học, Vật lý và Sinh học chỉ dừng ở mức độ khi học xong các em biết được điều gì. Nhưng với chương trình mới, định hướng khi học xong, học sinh làm được những gì. Các em được học cách vận dụng kiến thức của các môn học để giải quyết vấn đề trong cuộc sống, có thể đó là kiến thức về hóa học, sinh học, vật lý, thậm chí cả kiến thức về lịch sử, địa lý.
Học sinh Trường THCS Hoàng Mai học môn Khoa học tự nhiên ngoài sân trường. |
Tự tin thực hiện chương trình mới
Sau một năm được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên), năm học này, công tác giảng dạy của cô Nguyễn Bích Ngọc đã thuận lợi hơn khi tiếp tục theo học sinh lên lớp 7. Trong hầu hết tiết dạy, cô đều đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin để giúp học sinh có giờ học sinh động, hiệu quả.
Cô Ngọc cho biết, để có được những tiết học thu hút học sinh, cô đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, luôn sẵn sàng làm mới mình để thích nghi với giáo dục hiện đại. Cùng với đó, ban giám hiệu liên tục đồng hành cùng giáo viên để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giảng dạy chương trình mới.
Cô Vũ Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên) - cho hay: Theo lộ trình đổi mới, dạy học theo hướng tích hợp liên môn được nhà trường áp dụng từ năm học 2021 - 2022. Việc dạy học được tổ chức theo hướng đề cao sự sáng tạo và tự lực của học sinh, theo xu hướng của giáo dục hiện đại nên các em nhiệt tình đón nhận.
Theo đánh giá của các giáo viên, bài giảng trong chương trình mới có kiến thức phong phú, cái nhìn đa chiều, giúp học sinh hiểu vấn đề tốt hơn cũng như dễ áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trong giai đoạn học trực tuyến dù gặp nhiều khó khăn nhưng các hoạt động học tập được thực hiện ổn định. Đây là tiền đề thuận lợi khi học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Tại Trường THCS Phúc Xá (quận Ba Đình), đến nay, tất cả giáo viên đều tự tin dạy tốt môn Khoa học tự nhiên, không còn tình trạng 3 giáo viên cùng dạy một môn nữa. Có được kết quả trên, theo cô Nguyễn Thị Hoàng - Tổ trưởng Tổ Tự nhiên, cùng với việc tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn do cơ quan quản lý tổ chức, tổ bộ môn chủ động lên phương án tự bồi dưỡng cho giáo viên.
Ở góc nhìn khác, thầy Trần Thế Đấu - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ba Trại (huyện Ba Vì) - cho rằng, để triển khai hiệu quả môn Khoa học tự nhiên, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực sư phạm, điều này khó thực hiện tại các vùng có điều kiện khó khăn. “Khó khăn lớn nhất của nhà trường là thiếu giáo viên dạy được liên môn. Một giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn thì không thể dạy thật sâu, thật kỹ những phân môn khác”, thầy Đấu bộc bạch.
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) - bày tỏ: Dù đã chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên nhưng thực tế nhà trường mới đảm bảo được về số lượng. Thực tế không phải tất cả thầy cô được bồi dưỡng đều có thể sẵn sàng dạy học vì lộ trình bồi dưỡng ngắn, chưa đủ tự tin với những lĩnh vực chưa đào tạo chuyên sâu.
Việc triển khai dạy các môn học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã dần đi vào ổn định. Thời gian tới, các nhà trường cần chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, nhà trường cần quan tâm đầu tư, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học. - Ông Phạm Xuân Tiến (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội)