Thị trường tiềm năng nhưng khó tính
Dân số Nhật Bản hiện nay có khoảng 127,4 triệu người. Trong đó, số từ 65 trở lên chiếm trên 27%. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đến năm 2020, số lượng người cao tuổi của Nhật Bản là 2,26 triệu và số lượng hộ lý thiếu hụt lên tới 50 nghìn người. Đến năm 2025, con số này được dự báo là 55 nghìn người.
Công việc của thực tập sinh hộ lý tại Nhật Bản bao gồm: Hỗ trợ ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng cho người già tại các bệnh viện và viện dưỡng lão. Ngoài ra, còn có một số nghiệp vụ khác như quản lý giấy tờ, thông báo… Mặc dù nhu cầu hộ lý là rất lớn, nhưng đây là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người nên Nhật Bản đưa ra những yêu cầu khá khắt khe đối với thực tập sinh.
- Phái cử thực tập sinh hộ lý và điều dưỡng viên đi Nhật Bản là một chương trình đem lại nhiều lợi ích, tạo được việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sau thời gian thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, người lao động sẽ tiếp thu được kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm để áp dụng thực tế khi trở về Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập cần tháo gỡ.
Để có thể sang Nhật Bản thực tập ngành hộ lý, thực tập sinh bắt buộc phải là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này; đáp ứng các tiêu chuẩn như: Tốt nghiệp khóa học điều dưỡng hoặc đã có chứng chỉ điều dưỡng tại Việt Nam; có kinh nghiệm làm nghề hộ lý bao gồm cả việc chăm sóc, phục hồi chức năng tại các trung tâm dưỡng lão hoặc tại nhà của người cao tuổi; người được chứng nhận hộ lý do cơ quan có thẩm quyền cấp. Thời gian đào tạo đối với khóa học điều dưỡng tối thiểu từ 6 tháng trở lên.
Ngoài ra, để được nhập cảnh, thực tập sinh phải đạt được chứng chỉ tiếng Nhật tối thiểu N4. Sau khi kết thúc năm thứ nhất, thực tập sinh kỹ năng bắt buộc phải đạt chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N3. Các ứng viên không đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu sẽ phải trở về nước.
Chưa hấp dẫn lao động trẻ
Những quy định này đang gây rủi ro cao cho thực tập sinh nếu không đạt được trình độ theo yêu cầu. Do đó, sau gần một năm thực hiện, chưa có quốc gia nào phái cử thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản. Trong nhiều lần làm việc với Bộ LĐ-TB&XH, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đều thừa nhận có một số tiêu chuẩn quá cao, chưa phù hợp với thực tế, mặc dù đây là một nghề đặc thù cần phải có những quy định cụ thể riêng.
Ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật Bản - Đông Nam Á, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Chương trình đã có 86 điều dưỡng viên, hộ lý của 4 khóa đầu xin về nước trước thời hạn, chiếm tỷ lệ 12,8%.
Những ứng viên này có nhiều lý do như: Sức khỏe không đảm bảo, không có nguyện vọng làm việc tiếp do công việc không phù hợp, không chịu được áp lực về môi trường làm việc chăm sóc người cao tuổi, cá biệt có trường hợp trầm cảm… Điều này cho thấy, công việc hộ lý không thực sự hấp dẫn những người trẻ tuổi.
Cũng theo ông Trường Giang, về tiêu chuẩn trình độ tiếng Nhật N3, để đạt được, ứng viên phải mất 12 tháng học tập trung với cường độ rất cao và đội ngũ giáo viên hầu hết là người Nhật Bản có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy.
Trong khi đó, thực tập sinh phải thi được tiếng Nhật trình độ N3 trong điều kiện vẫn phải vừa tự học vừa làm việc. Như vậy, khả năng thực tập sinh sau một năm thực tập tại Nhật Bản phải về nước do không đạt chứng chỉ là rất cao, làm phát sinh nguy cơ bỏ trốn ra ngoài và vi phạm pháp luật Nhật Bản. Sau thời gian thực hiện thí điểm, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tổng kết và đề xuất phương án điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế.