Thực tập có lương

GD&TĐ - Nhiều trường đại học cho phép sinh viên năm ba trở lên được chủ động chọn thời gian, địa điểm thực tập.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Quy định này tạo cơ hội cho người học tranh thủ mùa Hè để hoàn thành học phần theo quy định.

Trước thực tế này, chớm hè, nhiều doanh nghiệp đã kết nối với các trường mở ngày hội việc làm, chào mời vị trí thực tập sinh hấp dẫn. Khác với trước đây, sẵn sàng nhận một vị trí thực tập để có cơ hội trải nghiệm mà không đòi hỏi gì, thì nay sinh viên có nhiều lựa chọn và cân nhắc. Trong đó không ít em thẳng thắn đặt vấn đề thực tập phải có lương.

Thực tập có lương là chính sách được doanh nghiệp quan tâm, trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực, thu hút nhân tài. Nhiều doanh nghiệp và sinh viên đã thỏa thuận với nhau về quyền và trách nhiệm của các bên cũng như chế độ người thực tập được hưởng. Mức lương cho thực tập sinh ở các công ty có trả thù lao dao động từ 1 - 3 triệu/tháng, ở doanh nghiệp khối kỹ thuật, IT, có thể từ 4 - 10 triệu/tháng.

Tuy có những chuyển động đáng khích lệ, nhưng trên bình diện chung, đến nay đa số sinh viên vẫn thực tập không lương. Bởi Luật Lao động nói riêng và các luật khác nói chung chưa có văn bản nào quy định về mức lương đối với người đi thực tập. Hoạt động này vẫn là một trong những chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học nhằm liên kết, khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Thời gian qua, bên cạnh đơn vị tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực tế cho thấy có không ít nơi đã sử dụng miễn phí sức lao động của thực tập sinh. Tại TPHCM, sinh viên một số trường đại học từng gửi đơn khiếu nại vì tình trạng bị “bóc lột” sức lao động trong quá trình đi thực tập, rằng dù làm việc vất vả như một nhân viên thực thụ và góp phần tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp, thế nhưng không được hỗ trợ bất cứ chi phí nào. Một số em khác cho biết vì thực tập không lương nên không được doanh nghiệp quan tâm hướng dẫn, đa phần làm việc vặt.

Thực tập không lương là tình trạng chung ở nhiều quốc gia. Nghiên cứu về trải nghiệm thực tập của sinh viên, bà Christine Morley, GS Công tác xã hội, Đại học Công nghệ Queensland (Australia), cho biết, ngay tại Úc, sinh viên cũng gặp khó khăn lớn về tài chính khi đi thực tập. “Dù theo cách nào, chúng ta cần ngừng cho rằng sinh viên đại học đều có cha mẹ giàu có, những người sẽ tài trợ hoàn toàn cho việc học tập của các em. Và chúng ta cũng cần bỏ suy nghĩ lao động miễn phí là cách tốt nhất để sinh viên học hỏi từ thực tế”, bà Christine Morley nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, thực tập có lương không chỉ giảm gánh nặng tài chính, động viên tinh thần sinh viên, mà còn làm tăng thêm trách nhiệm, chất lượng công việc cho các bên. Doanh nghiệp tốn chút phí thì sẽ ít giao việc vặt, mà muốn hướng dẫn thực tập sinh kỹ hơn, “vắt” kỹ hơn để có lợi cho đơn vị. Sinh viên theo đó không rơi vào cảnh “bưng bê trà nước” mà được “nhúng” mình thực sự vào công việc với niềm vui có thu nhập. Vì thế, hỗ trợ tài chính, tiền ăn trưa, xăng xe… cho sinh viên thực tập là xu hướng được khuyến nghị cần nhân rộng.

Hiện nay, để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực tập và thêm thu nhập, đa số trường đại học đều nỗ lực trong kết nối doanh nghiệp, có trường còn xây dựng mô hình học kỳ doanh nghiệp hiệu quả. Thế nhưng, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 98%, nên đòi hỏi cơ hội thực tập có lương đối với nhóm này hết sức khó khăn. Vì vậy rất cần một chính sách tầm vĩ mô hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ