Từ trước đến nay, hầu hết sinh viên Australia đi thực tập đều không được trả lương dù các em vẫn phải trả những chi phí phát sinh trong thời gian làm việc. Điều này khiến sinh viên không mấy mặn mà với việc học hỏi thực tế.
Tại Australia, thực tập là một phần bắt buộc trong 4 năm đại học. Thời gian thực tập phụ thuộc vào từng ngành nghề. Đơn cử, các chương trình trị liệu hoặc công tác xã hội yêu cầu sinh viên phải thực tập 1.000 giờ. Chương trình điều dưỡng cần ít nhất 800 giờ thực tập còn sinh viên sư phạm cần tối thiểu 80 ngày thực tập chuyên môn.
Tuy nhiên, tại Australia, nhiều sinh viên không được trả lương khi thực tập. Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt và học phí đại học tăng cao, các chuyên gia giáo dục kêu gọi cần đối xử bình đẳng với sinh viên.
Cuối năm ngoái, Hội đồng Hiệu trưởng các trường công tác xã hội Australia đã tiến hành khảo sát về trải nghiệm thực tập của sinh viên. Hơn 700 sinh viên trên khắp cả nước đã tham gia khảo sát cùng với 500 phản hồi từ giảng viên, doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập.
“Dù theo cách nào, chúng ta cần ngừng cho rằng sinh viên đại học đều có cha mẹ giàu có, những người sẽ tài trợ hoàn toàn cho việc học tập của các em. Và chúng ta cũng cần bỏ suy nghĩ rằng lao động miễn phí là cách tốt nhất để sinh viên học hỏi từ thực tế”, bà Christine Morley chia sẻ.
Là trưởng nhóm nghiên cứu, bà Christine Morley, GS Công tác xã hội, Đại học Công nghệ Queensland, nhận định: Cuộc khảo sát cho thấy sinh viên gặp khó khăn rất lớn về tài chính. Đi thực tập đồng nghĩa sinh viên phải chi trả tiền di lại, gửi xe hay mua trang phục phù hợp với công việc. Các em hầu như phải bỏ tiền túi cho những chi phí trên.
Thông qua khảo sát, một số sinh viên thừa nhận việc di chuyển đến nơi làm việc khiến em gặp khó khăn về tài chính. Số khác phàn nàn rằng vì đi thực tập, các em phải từ bỏ những công việc làm thêm mang lại thu nhập. Hơn 1/3 sinh viên, tương đương 33,7%, cho biết họ mất toàn bộ thu nhập hàng tuần vì việc đi thực tập. 25% mất tới 75% tiền lương.
Hơn 96% sinh viên không có đủ tiền mua thức ăn, quần áo và chi phí cần thiết cho việc thực tập. Nhiều người thừa nhận phải gánh những khoản nợ lớn từ các khoản vay bổ sung dành cho sinh viên do thiếu nguồn lực để đi làm. Điều này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của các em.
Một sinh viên giấu tên tham gia khảo sát chia sẻ: “Tôi phải từ bỏ công việc làm thêm và chuyển chỗ ở vì không đủ khả năng trả tiền thuê nhà trong thành phố”.
Khó khăn tài chính cũng khiến gần 80% người được hỏi gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Điều này cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tập và các kiến thức tích lũy trong quãng thời gian này. Nhiều người đi thực tập trong tâm trạng “hoàn thành nhiệm vụ thay vì học hỏi”.
Trước vấn đề trên, GS Christine Morley cho rằng, các trường đại học, doanh nghiệp lẫn chính phủ cần hỗ trợ sinh viên khi đi thực tập.
Về phía chính phủ, cần tài trợ cho các doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập để họ trả lương cho sinh viên như một nhân viên thông thường. Chính phủ cũng cần tài trợ cho các trường đại học để tăng cường trao học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.