Những năm gần đây, xu hướng dùng đồ ăn chế biến sẵn ngày càng thịnh hành. Song, thực tế, việc thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn có thể gây ra hậu quả cho sức khoẻ.
Nguy cơ gây hậu quả “kép”
Đặc biệt, với không ít người, khi mua được những món ngon miệng, hợp khẩu vị chế biến sẵn, họ tin rằng, đây chính là giải pháp số 1 cho cuộc sống của mình. Thậm chí, có những người còn không để ý nhiều đến việc món ăn được nấu như thế nào, cho những nguyên liệu ra sao, chất lượng thực phẩm đầu vào có đạt chuẩn hay không...
Dạo trên Facebook, người dùng dễ dàng tìm mua các loại thực phẩm chế biến sẵn mà không tốn thời gian. Dưới các bài đăng thực phẩm chế biến sẵn như gà ủ muối nguyên con, vịt quay, bắp cải cuộn thịt,... không ít chị em để lại bình luận đặt mua.
Chị Thuý Anh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, gần một năm nay, nhà chị thường xuyên mua đồ ăn sẵn. Chị Thúy Anh cho biết, năm vừa qua, do công việc bận rộn, thường xuyên phải tăng ca nên không có nhiều thời gian cho việc bếp núc. Chị Thuý Anh quyết định tìm mua đồ ăn sẵn cho gia đình.
Ban đầu, chị chỉ định mua một vài món mặn ngon, lạ miệng để cả nhà đổi bữa, ăn được thêm cơm. Sau một thời gian, chị bắt đầu nhận ra dường như đồ ăn sẵn hấp dẫn mọi người hơn.
Vô số món đồ ăn sẵn mỗi ngày tại các cửa hàng online khiến chị Thúy Anh bị cuốn hút mỗi khi thấy ảnh, kể cả những sản phẩm không rõ thương hiệu. Vì đó, chị Thúy Anh quyết định "kết thân" với những món đồ ăn sẵn này.
Tuy nhiên, thực tế, theo các chuyên gia, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai là những thực phẩm nhiều dầu, mỡ, muối và đường, nhưng lại ít chất xơ và các vi chất.
Việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này được cho là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng về các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, tăng huyết áp và hàng loạt các bệnh mạn tính không lây khác.
TS.BS Hoàng Thị Đức Ngàn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích, nếu ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn hoặc uống nước uống đóng chai thường xuyên sẽ dẫn tới việc dư thừa dầu mỡ, đường hoặc muối trong cơ thể.
Cụ thể, theo chuyên gia này, việc sử dụng nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai nhiều sẽ gây tăng lượng năng lượng ăn vào nhưng lại thiếu chất xơ và các vi chất. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới tích lũy mỡ trong cơ thể, gây thừa cân, béo phì.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai đóng góp khoảng 25% vào sự xuất hiện của thừa cân, béo phì ở người. Bên cạnh đó, lượng muối khá cao trong các loại thực phẩm này cùng với tình trạng thừa cân sẽ gây hậu quả kép lên tình trạng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
Đáng lo ngại hơn khi người thừa cân, béo phì và mắc các bệnh mạn tính như trên thường có chất lượng cuộc sống, khả năng lao động, học tập và mức thu nhập thấp hơn, có khả năng bị mắc các rối loạn về tâm lý và thần kinh cao hơn những người có cân nặng bình thường”, bác sĩ Ngàn lý giải.
Hơn thế nữa, ngành công nghiệp thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai hằng năm thải ra ngoài môi trường lượng lớn túi nilon, chai nhựa và các loại rác thải vô cơ khác, ảnh hưởng không tốt tới môi trường sống. Các nhà khoa học ước tính rằng, sản xuất ra 50g thịt đỏ gây phát thải khí nhà kính gấp 20 lần so với sản xuất ra 100g rau củ.
Sử dụng một cách hợp lý
Theo bác sĩ Ngàn, có thể thấy, việc tiêu thụ thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai là một xu thế không thể tránh khỏi trong thời đại ngày nay.
Tuy nhiên, những hậu quả về tâm sinh lý hay các hậu quả mạn tính về sức khỏe, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong hay ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính lại là những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng của thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai mà đại đa số chúng ta chưa nhận thức rõ.
“Chừng nào việc tiêu thụ những loại thực phẩm này còn chưa được thực hiện hợp lý thì con người có thể sẽ phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe và cuộc sống của bản thân cũng như môi trường sống của nhân loại”, bác sĩ Ngàn cảnh báo.
Theo các chuyên gia y tế, để sử dụng các loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn và đồ uống đóng chai một cách hợp lý, thì việc giải quyết được khẩu vị, sở thích và sự tiện lợi cho cá nhân, đảm bảo sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường là điều quan trọng.
Do đó, người dân nên tăng cường ăn tại nhà, hạn chế đi ăn ở nhà hàng, hoặc mua đồ ăn chế biến sẵn. Bởi, đó là cách tốt nhất để có được bữa ăn lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý tại gia đình.
Khi không có điều kiện ăn tại nhà, có thể chuẩn bị cơm mang theo khi đi học, đi làm. Từ đó, sẽ dần hình thành được thói quen ăn uống lành mạnh. Việc ăn hàng quán, thức ăn chế biến sẵn sẽ tự nhiên giảm đi.
Các chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, ngày nay thực phẩm chế biến sẵn đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần quan tâm tới việc sử dụng sao cho hợp lý.
Nếu sản phẩm đã mở thì thời hạn sử dụng sẽ không kéo dài như trên nhãn bao bì, kể cả với sản phẩm đông lạnh kỹ, chưa rã đông. Các chuyên gia khuyến cáo, đối với các sản phẩm đã mở chỉ nên sử dụng trong 1 tuần sau khi mở.
“Trong trường hợp quá bận rộn để ăn các bữa ăn tại nhà hay bắt buộc phải có đồ ăn nhẹ cho sự kiện như đi họp, đi du lịch… thì việc tự chuẩn bị các loại thức ăn, đồ uống thay thế là một giải pháp để hạn chế ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn hay đồ uống đóng chai. Khi mua đồ uống, thay vì mua một chai nước ngọt đóng chai, hãy mua một chai nước lọc. Khi thèm ăn đồ ngọt như kẹo, bánh, trái cây sấy khô thì hãy ăn trái cây tươi. Một hộp sữa chua sẽ tốt hơn một cây kem. Một ly nước trái cây ép sẽ tốt hơn một ly nước đóng chai vị trái cây. Khi cà phê sữa là lựa chọn không thể thiếu vào mỗi buổi sáng, thay vì dùng sữa đặc, hãy dùng sữa tươi, như sữa tươi ít béo, sữa gầy”, bác sĩ khuyến cáo.