Cẩm nang lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn

Dân trí Thực phẩm chế biến sẵn chịu rất nhiều tai tiếng và nhìn chung bị xem là không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, với sự lựa chọn sáng suốt, chúng vẫn có thể tìm được chỗ đứng trong chế độ ăn lành mạnh.

Cẩm nang lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn bị nhiều tai tiếng vì chúng đã trải qua một dạng chế biến nào đó và có thể được bổ sung những thành phần khác, như chất phụ gia, để kéo dài han dùng hoặc phục vụ những mục đích khác.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại hối hả ngày nay, thực phẩm chế biến sẵn đã trở thành một phần của đời sống. Bất chấp tiếng xấu của mình, thực phẩm chế biến sẵn vẫn có thể là một phần trong chế độ ăn hàng ngày, miễn là chúng ta sử dụng đúng và lựa chọn những sản phẩm thích hợp.

Cẩm nang lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn

Nói chung, phương pháp chế biến không phải là yếu tố quyết định liệu một thực phẩm chế biến sẵn nào đó có hại hay không, mà những thành phần mà nhà sản xuất đưa vào sản phẩm và/hoặc mức độ sử dụng thường xuyên của bạn mới là yếu tố quyết định thực phẩm chế biến sẵn không tốt đến mức nào.

Do đó, chúng ta phải nhớ rằng không phải mọi thực phẩm chế biến sẵn đều xấu. Trên hết, nhiều thực phẩm chế biến sẵn quen thuộc thường có mặt trong căn bếp của chúng ta, bao gồm bột, bánh mù, ngũ cốc ăn sáng, mì, bánh qui, sữa, cá mòi hoặc cá trích đóng hộp, nước sốt mì ý, đậu đông lạnh và thịt đông lạnh.

Các thực phẩm thường được chế biến cho một số mục đích:

- Bảo toàn chất lượng dinh dưỡng và độ tươi.

- Giảm nguy cơ hư thối, vì thực phẩm sẽ bắt đầu biến chất ngay sau khi thu hoạch hoặc giết mổ.

- Tăng khả năng cung ứng cho người tiêu dùng ở mọi thời điểm.

- Thay đổi hoặc ổn định kết cấu của thực phẩm.

- Cải thiện hương vị và sự tiện lợi.

Các phương pháp dùng để chế biến thực phẩm

- Đông lạnh (đậu hà lan, cà rốt, ngô đông lạnh)

- Sấy khô (nho khô, thịt khô)

- Lên men (pho mát, mắm tôm)

- Hun khói (cá hun khói, xúc xích hun khói)

- Muối chua hoặc ướp muối (dưa chua, kimchi)

- Đóng hộp (đậu xanh đóng hộp, cá mòi đóng hộp)

- Ngâm trong đường hoặc mật ong (hoa quả đóng hộp)

- Tinh chế loại bỏ những thành phần của thực phẩm dễ bị hư hỏng (gạo trắng, bột trắng)

- Thêm các chất bảo quản (ví dụ một số sản phẩm thịt và cá chế biến sẵn)

- Xử lý nhiệt, như thanh trùng và xử lý nhiệt cao (UHT) (ví dụ sữa, nước trái cây).

Lựa chọn khôn ngoan

Không nhất thiết phải gạch bỏ tất cả thực phẩm chế biến sẵn ra khỏi danh sách mua hàng. Khi cân nhắc có nên đưa một thực phẩm chế biến sẵn nào đó vào bữa ăn hàng ngày hay không, hãy xem kỹ các thành phần được sử dụng và hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm.

Hãy sử dụng nhiều hơn những thực phẩm giàu protein, vitamin và muối khoáng, cũng như chất xơ. Giảm những thứ nhiều đường, muối và chất béo.

Tuy bạn có thể đưa thực phẩm chế biến sẵn vào bữa ăn, song điều quan trọng là cần điều độ về tần suất và khối lượng những thực phẩm này.

Thời nay sẽ rất khó chế biến bữa ăn mà không sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chế biến sẵn nào, trừ phi bạn có sẵn cả trang trại, vườn rau, đồng lúa hoặc biển ngay trong sân nhà. Bạn không thể chạy trốn được các thực phẩm chế biến sẵn, nhưng bạn có thể đưa ra những lựa chọn khôn ngoan khi mua chúng.

Sử dụng thông tin dinh dưỡng (Bảng thông tin dinh dưỡng) và danh mục thành phần trên bao bì để định hướng khi chọn thực phẩm. Luôn kiểm tra bảng thông tin dinh dưỡng về năng lượng và hàm lượng các chất dinh dưỡng của thực phẩm (carbohydrate, protein và chất béo).

Kiểm tra hàm lượng đường của đồ uống. Một số nhà sản xuất cũng nói rõ về lượng vitamin và muối khoáng trong thực phẩm. Sử dụng thông tin trong bảng thông tin dinh dưỡng để định hướng khi chọn giữa các thương hiệu khác nhau của một loại thực phẩm chế biến sẵn nào đó.

Một số nhà sản xuất cũng được phép quảng cáo về hàm lượng một chất dinh dưỡng cụ thể trên nhãn. Bạn có thể chọn những nhãn có ghi “ít muối” hoặc “ít đường, hoặc sản phẩm có ghi “là nguồn can xi” hoặc “giàu vitamin A”.

Một loại thông tin dinh dưỡng nữa cũng được phép ghi trên nhãn là chức năng của chất dinh dưỡng. Ví dụ, nếu sản phẩm đáp ứng một qui định nào đó, nó có thể tuyên bố là “Canxi quan trọng cho xương và răng khỏe mạnh". 

Tuy nhiên, điều quan trọng là không mua sản phẩm chỉ đơn thuần dựa vào tuyên bố về dinh dưỡng, mà cần xem xét hàm lượng dinh dưỡng trên bảng thành phần dinh dưỡng.

Kiểm tra danh sách thành phần vì theo qui định các thành phần có trong một sản phẩm thực phẩm cần được liệt kê trên nhãn, theo lượng sử dụng từ cao nhất tới thấp nhất. 

Bạn có thể sử dụng danh sách này để tìm ra những thành phần chủ yếu của một sản phẩm cụ thể. Ví dụ, nếu đường có mặt trong vài mục đầu tiên, chứng tỏ sản phẩm chứa khá nhiều đường. 

Hãy cẩn thận và tìm kỹ các loại đường được ghi dưới những tên khác, như sucrose, maltose, corn syrup, high-fructose corn syrup và nồng độ nước ép trái cây.

Hiểu về phụ gia thực phẩm

Phụ gia thực phẩm thường được dùng trong chế biến thực phẩm. Chúng có thể là các chất hóa học được đưa vào thực phẩm để tạo ra những tác động kỹ thuật mong muốn. Những tác động này bao gồm:

- Duy trì chất lượng dinh dưỡng.

- Tăng thời hạn sử dụng

- Làm cho hấp dẫn hơn.

- Giúp chế biến, đóng gói hoặc bảo quản.

Những chất này đã được kiểm nghiệm về độ an toàn và được kiểm soát theo qui định của pháp luật.

Những phụ gia thực phẩm phổ biến nhất là chất bảo quản, chất chống ô xi hóa, chất tạo màu và mùi.

Người tiêu dùng thường đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng các chất bảo quản trong thực phẩm chế biến sẵn. Các chất bảo quản được đưa vào để ức chế hoặc làm chậm quá trình hư thối. 

Bộ Y tế có một danh mục các chất bảo quản (và các phụ gia thực phẩm khác) để tham khảo. Lượng và loại thực phẩm có thể chứa chất bảo quản cũng được kiểm soát theo qui định.

Tóm lại, với sự lựa chọn khôn ngoan, chúng ta không nhất thiết phải loại bỏ mọi loại thực phẩm chế biến sẵn. Song cần cẩn thận với các thành phần được sử dụng, cách thực phẩm được chế biến, và quan trọng nhất là hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm.

Tuy nhiên, lời khuyên vẫn là nên có thật nhiều thực phẩm tươi trong bữa ăn, như rau tươi, trái cây, thịt và hải sản tươi. Luôn ghi nhớ qui tắc cơ bản “Cân đối, vừa phải, đa dạng” trong bữa ăn hàng ngày. Việc sử dụng quá nhiều bất kỳ loại thực phẩm nào cũng đều có thể để lại những hậu quả xấu cho sức khỏe.

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ