Thúc đẩy truyền thông giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, mỗi năm hệ thống GDNN chỉ tuyển được khoảng 2,2 triệu người trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 540 nghìn người và 1,6 triệu người là trình độ sơ cấp dưới 3 tháng. Thực trạng cho thấy, mức độ quan tâm của xã hội với GDNN còn rất hạn chế.  

Điều khiển robot, một hình ảnh mới của GDNN trong cách mạng công nghiệp 4.0
Điều khiển robot, một hình ảnh mới của GDNN trong cách mạng công nghiệp 4.0

Thiếu sức hấp dẫn

Tuyển sinh cao đẳng và trung cấp hàng năm chỉ đạt trên dưới 10%, cho thấy, sự quan tâm của xã hội, các em học sinh THCS, THPT đến lĩnh vực GDNN còn hạn chế. Trong khi đó, tại các nước châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương có hệ thống GDNN phát triển, quy mô tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng nghề chiếm tới trên 50%. Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do công tác truyền thông về GDNN còn thiếu sức hấp dẫn, năng lực nội tại của các cơ sở GDNN còn yếu…

Theo kinh nghiệm của các nước có tỷ lệ học sinh tham gia vào học nghề cao, công tác truyền thông GDNN rất được chú trọng. Bà Britta Van

Erckelens - Phó Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam cho biết: GDNN là xương sống của nền kinh tế, vì vậy truyền thông GDNN cần hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, ngoài phụ huynh, học sinh thì đối tượng quan trọng nữa là doanh nghiệp. Thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cùng tham gia vào phát triển và đánh giá các khóa đào tạo là một phần của truyền thông GDNN.

GS.TS Gebhard Hafer - Chuyên gia Truyền thông Marketing đến từ Đức - cho biết: Giới trẻ Việt Nam đang kết nối và tương tác với nhau thông qua Facebook và các trang mạng xã hội. Còn phụ huynh thường muốn tìm kiếm thông tin từ sách báo hoặc các tờ rơi… Các doanh nghiệp muốn tương tác thông qua email. Dó đó, cần xây dựng các nội dung kết nối, tương tác với các đối tượng khác nhau sao cho phù hợp.

Quảng bá hình ảnh đào tạo nghề

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2018 - 2020 nhằm mục tiêu: Nâng cao nhận thức của người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh về GDNN; Tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp; Hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp. Thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN.

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết: ở nước ta, marketing trong GDNN là khái niệm mới, tuy nhiên ở nhiều nước trên thế giới khái niệm này đã được triển khai tốt và có hiệu quả.

Quảng bá hình ảnh đào tạo nghề tại Việt Nam, thông tin đến các đối tượng cụ thể về các chính sách về GDNN, tạo điều kiện cho người học dễ dàng tiếp cận với GDNN. Tổng cục GDNN đang tích cực triển khai đề án này, trong đó chú trọng đến giải pháp tăng cường công tác truyền thông. Một trong những hoạt động cụ thể hóa nội dung của kế hoạch trên là nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác truyền thông ở các cơ sở GDNN. Đây cũng là lần đầu tiên có một kế hoạch dài hạn cho công tác truyền thông GDNN.

Để đảm bảo các nội dung được truyền thông đến các đối tượng trong xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến người học tiềm năng cho GDNN là học sinh THCS, THPT và gia đình; lao động nông thôn; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an… cần thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông qua các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương; mạng viễn thông và Internet; các ấn phẩm tuyên truyền; các hội nghị, hội thảo, cuộc thi tuyên truyền về GDNN...

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” phấn đấu: Đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ