52 triệu người cần kỹ năng làm việc mới
Cuộc CMCN 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học và robot thế hệ mới, các vật liệu mới. Chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng này sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực thích ứng nhanh. Một thế hệ công dân toàn cầu đang hình thành để đáp ứng yêu cầu mới, họ phải được trang bị kiến thức kỹ năng nghề tốt và sử dụng thành thạo hai công cụ: công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
Những yêu cầu mới đối với GDNN trong CMCN 4.0, chính là đào tạo và phát triển kỹ năng nghề trong nền kinh tế số. Nếu như trước đây, năng lực sáng tạo và làm chủ công nghệ mới là những ưu tiên hàng đầu, thì đến nay, thứ tự được ưu tiên là năng lực tư duy phản biện và giải quyết những vấn đề phức tạp là những kỹ năng quan trọng hàng đầu, sau mới đến năng lực sáng tạo...
CMCN 4.0 không chỉ tạo ra thách thức mà còn có rất nhiều cơ hội. Ảnh hưởng của CMCN 4.0 với những thay đổi về kỹ năng nghề nghiệp, nguồn nhân lực đang trực tiếp làm việc là khoảng 52 triệu người sẽ phải được trang bị những kỹ năng làm việc mới. Trong khi hiện tại, tuyển sinh học nghề chỉ hơn 2 triệu người mỗi năm.
Đây có thể được xem là một kịch bản thay đổi to lớn đối với giáo dục nghề nghiệp. Chính vì vậy, giáo dục nghề nghiệp cần phải mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp và nguồn nhân lực kỹ thuật trong doanh nghiệp, các đơn vị liên quan, các đối tác nước ngoài… Với những hợp tác như vậy mới có thể chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.
Giảng dạy phi truyền thống
Một trong những thay đổi mang tính cách mạng trong giáo dục nghề nghiệp là phương pháp
giảng dạy. TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Mối quan hệ giữa thầy với trò trong CMCN 4.0 cũng sẽ có những thay đổi nhất định, cùng với cách giảng dạy truyền thống như hiện nay, sẽ xuất hiện những cách giảng dạy phi truyền thống, khi đó sẽ xuất hiện trường học ảo, thầy giáo ảo và thậm chí cả học sinh ảo… Mở rộng các hình thức đào tạo trực tuyến, từ xa; sử dụng công nghệ VR; Phương pháp đào tạo lấy HS làm trung tâm, tiếp cận năng lực thực hiện.
Nắm bắt xu thế này, Tổng cục GDNN đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 1982/QĐ-TT ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”. Đề án này có nhiều hoạt động ứng dụng CMCN 4.0 như hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin GDNN tiên tiến. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng GDNN; đào tạo và chuyển giao công nghệ… Thời gian qua, một số trường có đào tạo ngành nghề trọng điểm cũng đã được đầu tư các thiết bị giảng dạy mô phỏng, công nghệ thực tế ảo ứng dụng vào quá trình đào tạo.
Cũng theo TS Trương Anh Dũng, tại Hội giảng nhà giáo GDNN năm nay, bên cạnh năng lực chuyên môn, các nhà giáo còn được đánh giá về năng lực phân tích người học, cá nhân hóa đối với từng người học để thiết kế, xây dựng bài giảng phù hợp, đồng thời đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực số hóa trong giảng dạy.