Theo đó, cử tri đề nghị xem xét, nghiên cứu kỹ chương trình cải cách GD bảo đảm việc cải cách thực sự phát huy hiệu quả. Nâng cao chất lượng GD-ĐT. Cần chú trọng GD công dân, GD nhân cách, đạo đức trong nhà trường để đào tạo những thế hệ trẻ trong giai đoạn tới vừa có đức, vừa có tài, tích cực tham gia cống hiến, xây dựng đất nước.
Bộ GD&ĐT trả lời:
Bộ GD&ĐT đồng tình với ý kiến của cử tri và đã nghiên cứu kỹ cơ sở khoa học, học tập kinh nghiệm quốc tế, vận dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam để xây dựng Chương trình GD phổ thông mới; đã và đang thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của ngành để thực hiện tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng GD-ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Đối với Chương trình GDPT mới, mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GD phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền GD phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS”.
Thực hiện mục tiêu đó, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Chương trình GD phổ thông mới theo định hướng phát triển 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, nghệ thuật, thể chất) của HS thông qua nội dung GD với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Với những phẩm chất và năng lực đó, thế hệ trẻ Việt Nam có đức, có tài, tích cực tham gia cống hiến, xây dựng đất nước.