Còn nhớ, năm 2016, Chính phủ đặt quyết tâm xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Với tinh thần đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã chung tay xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia bằng nhiều giải pháp khác nhau.
Tuy nhiên, để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia một cách toàn diện, cần đến các yếu tố cốt lõi như: Tài năng, chính sách, văn hóa, nguồn vốn... Trong đó, ngành Giáo dục đảm nhiệm 2 yếu tố quan trọng là tài năng và hình thành văn hóa khởi nghiệp.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nội dung về truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho học sinh ngay từ bậc học phổ thông. Song để thực hiện được nội dung này, bên cạnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ký ngày 30/10/2017 (Đề án 1665).
Mục đích của Đề án này nhằm tạo lập môi trường giáo dục, tăng cường khả năng sáng tạo của HSSV; giúp các em sớm phát hiện tài năng, năng lực bản thân. Từ đó, có cơ hội trải nghiệm thực tế với các kiến thức đã học và sớm có tư duy, nhận thức về khởi nghiệp.
Sau khi Đề án 1665 được ban hành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT về kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, nhằm cụ thể hóa các giải pháp của Đề án 1665. Theo đó, Bộ đã đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ lớn là: Tăng cường công tác truyền thông; Tăng cường hỗ trợ đào tạo; Tạo môi trường hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.
Gần đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Tại văn bản này, Bộ đã quy định một số nhiệm vụ cụ thể về hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh THPT.
Thực tế cho thấy, dù hệ thống văn bản pháp lý đã tương đối đầy đủ, song vẫn còn những khó khăn khi triển khai giáo dục khởi nghiệp vào thực tiễn. Một số cơ sở giáo dục, đào tạo “nặng” về lý thuyết, “nhẹ” thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Về phía HSSV, thiếu kỹ năng, kiến thức cũng như các điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp.
Do đó, việc các trường đại học, phổ thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia tăng cường chia sẻ, huấn luyện, cung cấp kiến thức về khởi nghiệp cho HSSV, thầy, cô giáo cần thiết và hữu ích hơn bao giờ hết.
Chẳng hạn như, chuỗi Diễn đàn “Hành trình HSSV khởi nghiệp” là một trong những hoạt động thiết thực của việc triển khai Đề án 1665. Qua đây, giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức học tập và định hướng việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt, thông qua chương trình, HSSV hiểu hơn về tầm quan trọng của khởi nghiệp. Từ đó, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các em.
Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hoá hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ dần đạt được những bước tiến thần kỳ, khối lượng thông tin, tri thức nhân loại tăng theo hàm số mũ; vì thế hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều nhận thức giáo dục, đào tạo vừa là nền tảng, vừa là động lực góp phần quyết định tương lai mỗi dân tộc.
Với ý nghĩa đó, giáo dục và đào tạo được khẳng định là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Do đó, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia là giải pháp hữu hiệu để từng bước cụ thể hóa mục tiêu trên. Và mỗi nhà trường và HSSV như những “viên gạch” để dựng lên hệ sinh thái.