'Bà đỡ' cho sinh viên khởi nghiệp

GD&TĐ - Công ty TNHH Thương mại VietOils (TPHCM) cho biết sắp tung ra sản phẩm khử mùi tanh hải sản từ tinh dầu thiên nhiên dạng xịt.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đây là sản phẩm hợp tác 3 bên giữa Trường CĐ Công Thương TPHCM, nhà sản xuất là Công ty Thủy Mộc Việt, VietOils là đơn vị phân phối sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm này được thai nghén từ Dự án “Điều hương chất thơm khử tanh hải sản” của nhóm sinh viên Trường CĐ Công Thương TPHCM.

Trước đó, trước thềm bế mạc cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2022, các cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư gần 3 tỷ đồng cho một số dự án khởi nghiệp ấn tượng. Trong đó, dự án “Smartsite: Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông” của nhóm sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM được đầu tư 1 tỷ đồng và 1.000 sản phẩm được đặt sản xuất trước đó.

Đối với phong trào khởi nghiệp từ học đường, thành công về gọi vốn là câu chuyện rất vui. Bởi trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nguồn lực tài chính được xem là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất và cũng là khâu khó khăn nhất đối với sinh viên. Bà Đoàn Bích Ngọc - Giám đốc Điều hành của JA Việt Nam (Junior Achievement Vietnam) - từng chia sẻ, giai đoạn đầu khởi nghiệp, để nuôi những sản phẩm có yếu tố công nghệ phải chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Sinh viên có sức trẻ, nhiệt huyết nhưng bên cạnh là thiếu kinh nghiệm thực tế, dự đoán thị trường, đặc biệt là thiếu nguồn lực tài chính.

Để tạo điều kiện cho sinh viên khởi nghiệp, bên cạnh một số quỹ đầu tư, nhiều trường đại học, cao đẳng đã quan tâm hỗ trợ sinh viên về tài chính trong quá trình nghiên cứu cũng như khởi nghiệp. Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm BK Fund với số vốn lên tới 50 tỷ đồng.

Trường ĐH Trưng Vương công bố quỹ hỗ trợ trị giá 1 triệu USD dành cho các ý tưởng kinh doanh của sinh viên nhà trường. Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TPHCM năm học 2022 - 2023 cũng dành nguồn kinh phí 400 triệu đồng để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhiều trường bên cạnh trích kinh phí còn chủ động tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, nhằm “quảng bá” ý tưởng và gọi vốn. Như cuộc thi khởi nghiệp Ra khơi của Trường ĐH Văn Lang đã giúp dự án “App thể thao điện tử ProES” nhận được khoản vốn tương đương 50% cổ phần từ Shark Hùng Anh. Cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp do Trường Đại học Nông Lâm TPHCM triển khai từ năm 2018, là bà đỡ cho sự hình thành của nhiều sản phẩm, doanh nghiệp như Nonglamfood (thông qua Công ty TNHH Lê Trung Thiên), sản phẩm trà Kombucha (Mantra), sản phẩm nấm linh chi, đông trùng hạ thảo...

Tuy vậy, nhìn toàn cảnh, không nhiều trường đại học, cao đẳng có quỹ đầu tư hay các chiến lược gọi vốn hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Dù tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu và phát huy ý tưởng nhưng kinh phí đầu tư của các trường còn hạn chế, phần nhiều sinh viên vẫn phải tự thân vận động. Đã có không ít nghiên cứu, giải pháp của sinh viên có tính khả thi nhưng lại thiếu nhà đầu tư để có thể ươm tạo, hoàn thiện, giải mã công nghệ, cũng như hỗ trợ người khởi nghiệp, vậy là đành xếp vào tủ.

Những tin vui về gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên thời gian gần đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự nỗ lực của sinh viên cũng như các trường trong việc mở đường cho nghiên cứu từ học đường ra cuộc sống.

Thế nhưng để hoạt động khởi nghiệp sinh viên diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững, bên cạnh chiến lược của các nhóm dự án, hỗ trợ của nhà trường, rất cần có hệ thống chính sách tài chính của Nhà nước. Vạn sự khởi đầu nan, để tháo gỡ khó khăn về vốn, Nhà nước có chính sách đặc thù cho sinh viên khởi nghiệp, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ về hạ tầng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.