Đáng chú ý, không ít dự án đã được triển khai trên thực tế và bước đầu có lãi. Các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng, dự kiến sẽ thu hút nhà đầu tư.
Năm nay cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” - điểm nhấn của Ngày hội - đã thu hút hơn 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường THCS, THPT tham gia, tiếp cận được gần 20 triệu HSSV. Số lượng ý tưởng, dự án dự thi (gần 600) đã tăng gấp đôi so với năm 2019, gấp 3 năm 2018. Đặc biệt, trong số dự án dự thi có nhiều ý tưởng khá xuất sắc đến từ học sinh THCS!
Để tinh thần khởi nghiệp ngày càng lan tỏa rộng trong HSSV trước hết phải kể đến quyết tâm của Chính phủ về việc sớm thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó Bộ GD&ĐT được giao triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665).
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Song song với việc tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho HSSV, Bộ cũng quan tâm nhiệm vụ này trong quá trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Chương trình mới.
Nhiều nội dung về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được tích hợp lồng ghép trong chương trình, Luật Giáo dục 2019. Riêng năm 2020, Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị triển khai Chuỗi hành trình người khởi nghiệp tại hơn 20 trường đại học và 5 trường phổ thông ở nhiều địa phương.
Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV được tổ chức trong ba năm qua, có điểm nhấn là cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” đã thắp lửa tinh thần khởi nghiệp, tạo ra sân chơi bổ ích, thiết thực cho giới trẻ học đường, tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao.
Qua đó, tôn vinh cá nhân, tập thể có ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn, ghi nhận sự đóng góp tích cực của trường học, cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, ủng hộ, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho hoạt động khởi nghiệp của HSSV.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Quốc gia khởi nghiệp” của Dan Senor & Saul Singer, không phải ngẫu nhiên tác giả nhấn mạnh đến câu chuyện về cặp bài trùng công nghệ nổi tiếng khắp Israel - Shimon Petes cùng người bạn vong niên David Ben-Gurion đã quan tâm đến hỗ trợ khởi nghiệp cho giới trẻ học đường.
Cặp bài trùng công nghệ này đã tài trợ dự án và chuyển hướng sang các sinh viên ở Technion thay vì các nhà khoa học đã thành danh. Và kết quả, Israel nhanh chóng đứng thứ 10 thế giới về số lượng bằng sáng chế, đồng thời là một quốc gia hạt nhân vào năm 2005.
Thực tế cho thấy thắp lửa khởi nghiệp cho HSSV có ý nghĩa quan trọng trong tạo bệ phóng cho quốc gia khởi nghiệp, xây dựng đất nước giàu mạnh. Việc đẩy mạnh triển khai Đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, với những hoạt động như cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” là con đường đúng đắn và ngày càng được minh chứng về sức lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học đường.
Tuy vậy từ dự án, ý tưởng HSSV đến thương mại hóa vẫn còn những rào cản nhất định về cơ chế, chính sách, nguồn vốn... Thực tế này ít nhiều ảnh hưởng đến việc giữ lửa khởi nghiệp trong giới trẻ.
Để dự án khởi nghiệp tuổi học đường đi xa hơn, chỉ riêng nỗ lực của nhà trường và HSSV là chưa đủ. Song song đó, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước và doanh nghiệp để cùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đủ mạnh, kiến tạo những vườm ươm hiệu quả. Có như thế, lửa khởi nghiệp đã được thắp trong học đường sẽ tiếp tục được gìn giữ và tỏa sáng hơn trong cuộc sống.