"Tôi hoàn toàn phản đối các bước đi đơn phương của châu Âu về vấn đề này. Chúng ta phải tìm cách đảm bảo mọi việc chúng ta làm đều được thực hiện cùng với Hoa Kỳ", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Handelsblatt.
Ông mô tả cách tiếp cận này là "nguyên tắc cơ bản của NATO". "Dù sao tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để suy đoán về những gì sẽ xảy ra sau khi đạt được hòa bình", ông nói thêm rằng Ukraine phải quyết định "về những điều kiện nào họ sẽ sẵn sàng cho hòa bình".
Tại một cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước NATO tại Brussels ngày 3/12/2024, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock không loại trừ khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Đức tới Ukraine sau khi chấm dứt chiến sự.
Bà cho biết cùng với tư cách thành viên NATO tiềm năng như một sự đảm bảo an ninh, vấn đề hiện diện quốc tế để đảm bảo việc giám sát lệnh ngừng bắn có thể được xem xét.
Bình luận về ý tưởng của phương Tây về việc gửi "lực lượng gìn giữ hòa bình" nước ngoài đến Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết việc triển khai lực lượng NATO là điều không thể chấp nhận được đối với Nga vì nó sẽ gây ra sự leo thang không kiểm soát.
Các đề xuất gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến ranh giới phân chia giữa Nga và Ukraine sau khi kết thúc chiến sự đã được đưa ra ở phương Tây trước đó. Một số chính trị gia, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là đã thảo luận về một nhiệm vụ như vậy có thể lên tới 40.000 quân.
Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang xem xét thành lập một nhiệm vụ lên tới 200.000 quân từ các lực lượng châu Âu.