Thủ tướng chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn năm 2016

GD&TĐ - Hôm nay (29/12), Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã bế mạc sau 1 ngày rưỡi làm việc với 17 lãnh đạo địa phương và 20 thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến. 

Thủ tướng chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn năm 2016

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu kết luận Hội nghị, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu năm 2015 và nêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2016.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và kiểm điểm sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Nhìn lại năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm qua, đất nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bên cạnh thuận lợi rất cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới đem lại nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ở bên ngoài, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh của thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường mà nổi lên là kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo; giá dầu thô giảm sâu; đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá; một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng; tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông... đã tác động tiêu cực đến nước ta.

Trong nước, tuy đã đạt được những kế quả, những thành tựu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó nổi lên là mặc dù đất nước ta đã hội nhập sâu nhưng năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, của sản phẩm tuy có được cải thiện nhưng so với mong muốn còn thấp, đây là thách thức rất lớn; nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, cho quốc phòng, an ninh còn rất hạn hẹp;…

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, năm 2015 cũng như 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, rõ nét, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết lĩnh vực. “Đây là nỗ lực chung, công sức chung của cả nước, của toàn Đảng, toàn quân và  toàn dân ta.

Những thành tựu đạt được tạo tiền đề, điều kiện để đất nước ta bước vào thực hiện nhiện vụ năm 2016 cũng như Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đạt được kết quả cao hơn, vững chắc hơn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Về nhiệm vụ năm 2016 cũng như trong 5 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đất nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội quốc tế nhập sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế khi Cộng đồng ASEAN sắp hình thành, Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 20 nước là nền kinh tế lớn nhất thế giới,… bên cạnh những thuận lợi, cơ hội từ hội nhập, đất nước phải cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hết sức gay gắt và quyết liệt. Cùng với đó, theo dự báo tình hình kinh tế thế giới thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường.  

“Tinh thần chung là Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phấn đấu nỗ lực, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được cũng như những kinh nghiệm tốt đã được đúc rút từ thực tiễn; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi; bám sát diễn biến tình hình, có những chính sách phù hợp để ứng phó với những diễn biến tình hình; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề cho năm 2016 và cả 5 năm 2016-2020, với mục tiêu cuối cùng là tất cả cũng vì sự phát triển, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” -  Thủ tướng nhấn mạnh

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn.

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tiếp tục đảm bảo và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thực hiện thường xuyên và liên tục, không được chủ quan, lơ là và thỏa mãn trước những kết quả đã đạt được. 

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược; từng bộ ngành, địa phương phải triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Theo đó không ngừng hoàn thiện thể chế để một mặt quản lý nhà nước được chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả hơn, mặt khác là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, sinh sống, phát triển sản xuất kinh doanh cũng như tăng khả năng huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn cho phát triển, đây cũng là đóng góp tích cực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng phải hết sức chú ý xây dựng, tạo ra cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ xã hội, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đột phá về nguồn nhân lực, nhất là  đào tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng và trái cơ cấu nông nghiệp. Tái cơ cấu đầu tư công phải gắn liền với bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia, bảo đảm đầu tư công được hiệu quả hơn.

Tái cơ cấu doanh nghiệp không chỉ ở cổ phần hóa, rút vốn vốn đầu tư ngoài ngành mà còn ở nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Trong tái cơ cấu doanh nghiệp, cần hết sức lưu ý, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa đến việc tổ chức, sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh. Thủ tướng yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương cần sớm phê duyệt việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp nhằm đảm bảo 2 yêu cầu là nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và kiểm soát tốt biên chế.

Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ. Khuyến khích mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa dịch vụ.

Nhóm nhiệm vụ thứ 2 là tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân… theo phương châm triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các giải pháp, không coi nhẹ lĩnh vực nào, trong đó cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm cân đối, huy động các nguồn lực, đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên cũng như 16 chương trình mục tiêu khác. 

Nhóm nhiệm vụ thứ 3 là cần tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp. 

Nhóm nhiệm vụ thứ 4 là tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài cả về vốn, thị trường, tới kinh nghiệm quản lý để phục vụ cho các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Nhóm nhiệm vụ thứ 5 là không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhóm nhiệm vụ thứ 6 là các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ; các cam kết quốc tế trong các Hiệp định Thương mại tự do (cả những mặt thuận lợi, cơ hội lẫn khó khăn, thách thức khi tham gia).

Phát huy quyền làm chủ của người dân trên tất cả các lĩnh vực để tạo đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. “chỉ khi nào phát huy tốt nhất quyền làm chủ của người dân theo đúng Hiến pháp, pháp luật thì mới tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân” - Thủ tướng nói. 

Nhóm nhiệm vụ thứ 7 là từ những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành thời gian qua, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. 

Trong một ngày rưỡi làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016  đã tập trung thảo luận vào 2 nội dung lớn là Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Có 17 ý phát biểu của lãnh đạo các địa phương và 20 lượt ý kiến phát biểu, trao đổi, giải đáp của các thành viên Chính phủ tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo cũng như dự thảo Nghị quyết nêu trên, để Nghị quyết sớm được ban hành và triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.