Cụ thể hóa ước mơ lập nghiệp
Là sinh viên ngoại tỉnh tốt nghiệp khoa Nhiếp ảnh K1, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, năm 2001, chị Điệp xin vào làm tại một tòa soạn báo.
Cũng giống như bao bạn trẻ lúc đó chị Điệp mong muốn được ở lại sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Con đường rất khó khăn nhưng càng khó khăn, càng thúc đẩy quyết tâm phát triển, lập nghiệp của chị Điệp.
Được nhận vào làm việc ở một tòa soạn báo, lúc đó chị Điệp cảm thấy rất vui sướng và tự hào, bởi ước mơ trở thành một người thành công trong sự nghiệp đã bắt đầu được cụ thể hóa. Khi đó, chị vừa làm cho tòa soạn đồng thời cộng tác với nhiều báo khác.
Công việc cuốn hút, làm cho chị không cảm thấy ngại khi thực hiện bất cứ đề tài nào. Mảng báo ảnh là một nghề khá đặc thù, thời gian đó phóng viên ảnh còn chưa nhiều, hầu như mọi người là không chuyên. Đối với Điệp, lúc đó khá may mắn bởi được học và có bằng chuyên môn về nghề ảnh.
Chị Điệp kể lại: Thời điểm làm báo, với mong muốn thể hiện mình, tôi lựa chọn những đề tài khó, gai góc, như ma túy, mại dâm... Thực hiện những đề tài này khá nguy hiểm, khác với làm bài viết, hình ảnh phải đến tận nơi.
Tôi nhớ nhất lần chụp về tệ nạn ma túy ở chân cầu Long Biên, có rất nhiều người đang chích ma túy ngay dưới chân cầu, sau đó họ lại đi lên cầu nơi mình đang đứng, khi đó tôi cầm máy nhưng rất “run” chỉ lo họ phát hiện, nhưng may mắn, điều đó đã không xảy ra.
Khi thực hiện xong đề tài này, cơ quan chức năng tại địa phương đã có những phản hồi tích cực trở lại với tòa soạn, tụ điểm ma túy đó đã được dẹp bỏ… Đối với phóng viên, những phản hồi này được xem là nguồn động viên có ý nghĩa nhất để họ tiếp tục hăng say hơn với nghề.
Tư duy về sự thay đổi
Đối với chị Điệp, làm phóng viên cũng là một thời gian khá thành công, ngoài việc làm báo, còn có thêm những khoản thu nhập từ việc cộng tác với các tòa soạn khác, làm ảnh sinh nhật, ảnh cưới, dã ngoại... Từ đó, có khoản tích lũy để chuẩn bị cho tương lai.
Tuy vậy, cuộc sống lúc đó cũng vẫn còn khá khó khăn, sau khi lập gia đình vào năm 2004, năm 2007 vợ chồng chị Điệp đã cố gắng dành dụm và vay mượn khá nhiều để mua một căn chung cư nhỏ.
Trong một lần đi phỏng vấn, chị được biết và tham gia một hội thảo chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp tại bảo hiểm nhân thọ.
Bởi đã có quá trình tham gia bảo hiểm nhân thọ cho cá nhân mình, nên chị thấy rất thích thú với những điều mới mẻ được chia sẻ. Đồng thời bắt đầu tham gia công việc này để có thể gia tăng thu nhập, trang trải khoản vay tiền mua nhà… Đến năm 2010 thì trả được hết nợ.
Khi đó, chị cảm thấy rất thoải mái và tư duy cho mình một công việc có thể đem lại niềm vui, sự tốt đẹp nhiều hơn cho cộng đồng và có nguồn kinh tế bảo đảm cho cuộc sống của mình và gia đình. Chị Điệp đã quyết định nghỉ hẳn công việc làm ở tòa soạn để chuyên tâm vào công việc mới.
Ban đầu chị Điệp cũng chịu áp lực khá lớn từ sự phản đối của bố, mẹ, trong khi đó công việc làm báo đang rất tốt và đem lại niềm tự hào… Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc và những cơ hội thực tế là minh chứng tốt nhất cho quyết định thay đổi nghề nghiệp.
Thời điểm làm báo, thu nhập được khoảng 5 triệu đồng/tháng, mỗi năm cộng tất cả các nguồn thu nhập thì cũng chỉ được khoảng 65 - 70 triệu đồng. So với làm bảo hiểm, thì chỉ sau 1 năm làm việc thu nhập đã bằng luôn cả toàn bộ thời gian 9 năm làm báo trước đó.
Khái niệm mới về công việc ổn định
Nói về bảo hiểm nhân thọ, chị Điệp khẳng định: “Trước tiên, bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn không phải là chuyện lấy tiền của người khác, như một số người lầm tưởng. Mà ở đây là sự chia sẻ với mọi người, lợi ích của họ chính là giải pháp tích lũy có tổ chức. Bên cạnh đó, người tham gia còn có thêm một điểm tựa vững chắc về tài chính khi không may họ gặp rủi ro trong cuộc sống”.
Để tích lũy, thường người ta sẽ “nuôi lợn đất”, nhưng điều khó khăn ở chỗ lúc cần tiền thì không biết vay ai, nên mỗi lần cần tiền thì lại… đập lợn. Vì vậy, tham gia bảo hiểm được xem như là một cách giữ tiền hiệu quả nhất.
Cho đến nay, với hơn 10 năm làm bảo hiểm nhân thọ, chị Điệp đã trở thành một giám đốc khu vực cấp cao, phụ trách 50 người quản lý với khoảng 400 đại lý.
Công việc đã mang đến cho gia đình chị Điệp 2 căn chung cư tiện nghi, cùng chiếc ô tô mới trị giá hơn 1 tỷ đồng, thu nhập hàng tháng được bảo đảm. Đồng hành với chị Điệp, chồng chị cũng đã nghỉ việc nhà nước từ 5 năm nay và đang thành công trong ngành bảo hiểm nhân thọ.
Điều hạnh phúc hơn nữa là ngoài 2 cô con gái xinh xắn, chị Điệp lại vừa có thêm một cậu con trai kháu khỉnh… Chị Điệp cho rằng, mình đã có quyết định đúng đắn trong việc thay đổi công việc, cảm thấy rất hạnh phúc với công việc và cuộc sống của mình và gia đình hiện nay.
“Làm Nhà nước ổn định, nhưng nếu vẫn lựa chọn công việc cũ thì rất khó thay đổi cuộc sống. Chính vì vậy, khái niệm mới của công việc ổn định là bất ổn định. Sự bất ổn định ở đây là mức thu nhập không tính theo tháng, mà tính theo năm, công việc mang đến sự chủ động, phóng khoáng và sáng tạo cho người làm” - chị Điệp chia sẻ.