Bán hàng vô hình - Thu nhập hữu hình

GD&TĐ - Bảo hiểm nhân thọ (BHTN) được xem là một loại hàng hóa vô hình, đã có hàng triệu người mua nó và có hàng trăm nghìn người bán nó hàng ngày, xã hội càng phát triển thì số người mua càng tăng. 

Bán hàng vô hình - Thu nhập hữu hình

Đây là một lý do khiến cho nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ đang có một sức hút đối với nguồn nhân lực mới. Để làm một tư vấn viên BHNT không quá khó, nhưng để “bám trụ” với nghề xem ra lại không hề đơn giản.

Thu nhập cao, thời gian không ràng buộc

Có không ít những tư vấn viên BHNT thành công trong nghề nghiệp. Họ thay mặt cho công ty tiếp xúc với khách hàng, tạo sự tin tưởng và truyền đạt những ưu việt của các gói sản phẩm đến với khách hàng và đem lại doanh thu cho công ty.

Tư vấn viên BHNT thường được xem như các nhà sản xuất trong ngành bảo hiểm, bán một hoặc nhiều loại bảo hiểm như là bảo hiểm cho tài sản và thương vong, sinh mệnh, sức khỏe, tàn tật, dịch vụ chăm sóc lâu dài. Nhân viên bảo hiểm về tài sản và tai nạn, thương vong sẽ bán các hợp đồng mà bảo vệ cho cá nhân và doanh nghiệp khỏi bị thiệt hại về tài chính khi bị tai nạn xe, hỏa hoạn, trộm cắp, bão, và các hiện tượng khác có thể gây thiệt hại cho tài sản.

Đối với doanh nghiệp thì bảo hiểm về tài sản và tai nạn, thương vong có thể bao gồm luôn cả tiền đền bù cho các công nhân bị thương, khoản nợ sản phẩm, tiền bồi thường khi có sai sót trong y tế…

Chị Khánh Diệp, CEO của một công ty BHNT cho biết: Chị đã làm tư vấn BHNT được khoảng 8 năm, cho đến nay doanh thu của chị đã đạt khoảng gần 3 tỷ đồng mỗi năm, thu nhập ổn định từ 40 - 50 triệu đồng/ tháng. Khi mới vào nghề, chị cũng không tránh khỏi lo lắng và những áp lực không nhỏ ngay từ chính gia đình, cùng những dị nghị không hay về nghề. Nhưng nhờ có sự kiên trì theo đuổi nghề nghiệp nên công việc đã sớm ổn định không những khộng bị ràng buộc về thời gian mà thu nhập lại cao, nhưng chị Diệp cho rằng, điều đáng mừng hơn cả là nhận thức của một bộ phận người dân đã có những cách nhìn tích cực hơn về nghề tư vấn BHNT.

Tạo lập niềm tin, bí quyết của thành công

Cũng theo chị Diệp, tại công ty của chị có khá nhiều tư vấn viên đạt mức doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm qua đó có thu nhập ổn định từ 10 - 30 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, tư vấn bảo hiểm cũng là nghề có tính đào thải cao, một bộ phận không nhỏ những người làm nghề này chán nản, bỏ việc do thường xuyên bị khách hàng từ chối, khó tìm đủ hợp đồng, thu nhập không ổn định. Sai lầm mà họ thường mắc phải là chỉ đơn thuần mời mua bảo hiểm, chứ không tạo lập được mối quan hệ thân thiện, niềm tin cho khách hàng.

Thực tế cho thấy, những người thành công trong nghề tư vấn bảo hiểm phải có khả năng, rất nỗ lực và yêu nghề, thực sự hiểu biết về ý nghĩa nhân văn của công việc họ đang làm. Những yếu tố này đòi hỏi cả quá trình phấn đấu trong học tập và rèn luyện của các tư vấn viên. Các tư vấn viên BHNT thường được bộ phận đào tạo của công ty BHTN đào tạo cơ bản về kĩ năng bán, tư vấn, chăm sóc khách hàng.

Kỹ năng cơ bản nhất mà bất cứ tư vấn viên BHNT nào cũng được trang bị một cách chuyên nghiệp là phương thức hướng dẫn và giải thích cho khách hàng về các điều khoản thể hiện trong hợp đồng bảo hiểm, các điều khoản này đều phải trải qua một quá trình thẩm định và phê duyệt nghiêm ngặt của Bộ Tài chính.

Khi tư vấn cho khách hàng, tư vấn viên của các công ty bảo hiểm chuyên nghiệp phải có trách nhiệm trình bày rõ ràng và trung thực cho khách hàng về đặc điểm, quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia bảo hiểm; đồng thời khách hàng được quyền yêu cầu kiểm tra lại nội dung và ký xác nhận trên bảng minh họa. Yêu cầu này được coi là bắt buộc đối với người tư vấn, như là một tiêu chuẩn của đạo đức nghề nghiệp.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã cấp phép và bảo hộ cho 17 doanh nghiệp BHNT, với những ưu thế đặc thù, đây được cho là một ngành có mức tăng trưởng nhân lực ở mức cao trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ